cả Tử Nghiên nữa, đúng là khiến cho A Vụ cảm thấy phiền muộn hết sức.
A Vụ thở dài một tiếng rồi bảo Tử Nghiên thu đàn lại. Nàng thấy một
đứa trẻ con nhỏ tuổi như nàng mà phải gánh vác bao nhiêu chuyện. Chuyện
của mẹ khiến nàng lo lắng, chuyện của nha hoàn cũng khiến nàng lo lắng, vì
lo lắng nhiều nên chẳng trách người cứ thấp tịt, chẳng biết tương lai có lớn
thêm được chút nào không.
Tối đến, Tử Nghiên chải đầu cho A Vụ trước khi đi ngủ. A Vụ liền bảo
Tử Nghiên tìm trên đầu mình xem có sợi tóc bạc nào không, nhiều chuyện
xảy ra quá khiến nàng rầu hết cả ruột gan.
A Vụ rầu ruột gan cũng vô ích vì tâm trạng Thôi Thị vẫn rất sa sút,
nhưng người ta không vì tim bà đau như bị dao cứa mà tha cho bà. Hằng
ngày Thôi Thị vẫn phải đến chỗ lão thái thái khoảng một canh giờ như
thường lệ, việc này khiến cho cơ thể bà càng thêm suy nhược.
Khoảng thời gian giao mùa giữa thu và đông, người đổ bệnh không chỉ
có mình Thôi Thị. Tô Niệm gửi một phong thư cho A Vụ, mời nàng cùng
đến Đường phủ thăm Đường Âm, vì Đường Âm cũng bị ốm.
Chuyện liên quan đến Đường Âm, A Vụ muốn đi, nhưng có một chút
phiền phức là “cửa ải” chỗ lão thái thái không biết có qua được không,
nhưng cũng không phải là không có cách.
Hôm nay A Vụ cùng Thôi Thị đến thượng phòng thỉnh an, sau đó nói
rõ chuyện của Đường Âm: “Ngũ tỷ và Âm tỷ là bạn rất tốt của nhau ạ. Lần
trước sinh thần Cố nhị cô nương ở phủ Vệ Quốc Công, bọn cháu cũng đến
dự, lần này tỷ ấy bị bệnh, cháu nghĩ ngũ tỷ và cháu nên đến thăm tỷ ấy mới
phải.”