mới đến nên tình hình sản phẩm ở cửa hiệu bây giờ là cung không đáp ứng
nổi cầu.”
A Vụ gật đầu.
Tử Nghiên luôn muốn biểu hiện tốt trước A Vụ nên nói tiếp: “Tiểu thư
dặn mở cửa hiệu ở ven tuyến đường tây bắc nên nô tỳ liền bảo đệ đệ đi tìm,
hiện giờ ba tỉnh ở tây bắc đều có cửa hiệu của chúng ta, việc buôn bán rất
thuận lợi.”
A Vụ lại gật đầu. Tình hình cụ thể thì nàng đã biết, nhưng vẫn muốn
nghe Tử Nghiên nói, cũng là cho cô có cơ hội khoe công trạng. Nàng hỏi
tiếp: “Vậy tiệm Thôi Tú ở kinh thành thế nào?”
Nhắc đến chuyện này, Tử Nghiên thực sự khâm phục tiểu thư sáng suốt
hơn người. Nàng cho mở cửa hiệu ở Tân Khẩu, sau đó âm thầm phát triển
rộng, lấy danh của phủ An Quốc Công, cộng với số bạc lớn bỏ ra để mở
thêm một chuỗi cửa hiệu khác nữa.
Thôi Ký trong kinh thành cho đến nay vẫn là một cửa hiệu nhỏ, kinh
doanh nhỏ lẻ, sách lược do A Vụ và Liễu Kinh Nương đặt ra là bán những
sản phẩm cao cấp nhất, người có tiền cũng chưa chắc đã mua được, nhưng
tiệm lại rất đông khách, đến nỗi lượng việc của năm nay đã phải ba năm sau
mới làm xong. Cũng có nghĩa là năm nay bạn đặt tiền mua thì ba năm sau
mới được mặc một sản phẩm thêu của Thôi Ký.
Thôi Tú là hiệu thêu may đặc biệt, cách thêu tỉ mỉ, hoàn chỉnh, điều
tuyệt vời nhất là màu sắc lấp lánh của sản phẩm thêu - chỉ thêu khác nhau sẽ
ánh lên màu sắc khác nhau và thay đổi theo ánh sáng, thể hiện các loại hoa
văn khác nhau.
A Vụ cũng có một chiếc váy thêu Thôi Tú, nhưng vì nó quá rực rỡ, bắt
mắt nên nàng không biết mặc thế nào.