đông đúc chạy trên đồng cỏ. Mỗi lần đi cũng mất một tháng, Long Khánh
Đế cũng không cần xử lý công vụ, thế nên các quan làm việc ở các nha bộ
đều đi theo.
Đối với các công thần quyền quý, đây là dịp để họ mặc sức chè chén
say sưa, đế vương còn cho phép họ dẫn theo gia quyến nên họ càng danh
chính ngôn thuận mà đi săn.
Còn đối với gia quyến của vương công đại thần, gia đình vương tôn
quý tộc, đây là dịp họ được đo sắc đẹp và quen biết nhau. Tóm lại, ai ai cũng
vui mừng, phấn khởi.
Hai nam chủ nhân trong Vinh phủ đều phải đi, Vinh Ngân là Ngự tiền
thị vệ nên bắt buộc phải theo hầu đế vương, Vinh tam lão gia thì phải đi
cùng để bất cứ lúc nào cũng có thể phụng mệnh ý chỉ của Hoàng thượng và
xử lý công vụ.
A Vụ không đi, theo tiền lệ, mùa săn bắn rất ít người cho con gái đi
cùng. Thôi Thị vì con gái nên cũng ở lại, lòng tràn đầy tiếc nuối không được
ngắm cảnh sắc bên ngoài, lại mất cơ hội chọn con rể, nhưng bà không thể để
con gái ở phủ một mình.
Long Khánh Đế khởi hành không bao lâu thì A Vụ nhận được thư của
Đường Âm, nàng ấy rất tiếc vì A Vụ không được đi chuyến này, nhưng
trong câu chữ cũng biểu lộ niềm vui sướng âm thầm. A Vụ vừa đọc thư vừa
buồn cười, thật không ngờ Đường Các lão lại dẫn theo cả Đường Âm.
Trong bức thư thứ hai nhận được từ Đường Âm, A Vụ biết lý do tỷ ấy
được đi vì Long Khánh Đế cũng dẫn theo mấy cô Công chúa, mà theo lời
Hướng Quý phi nói với Hoàng đế thì nên mời một vài cô nương đi cùng các
Công chúa, để các Công chúa không cảm thấy cô đơn.
Ngoài Đường Âm, còn có một vài tiểu thư tôn quý chưa đính hôn trong
kinh thành cũng được đi như Huyện chủ Hòa Nhụy, Hà Bội Chân…