những quy chế, thủ tục khiến họ bực bội… Dù biết rằng sự giận dữ của họ
nhiều khi chỉ là một cách phòng vệ, nhưng vẫn khiến tôi cảm thấy ái ngại.
Chẳng ai trong chúng ta muốn nghe lời chỉ trích của người khác, cũng
chẳng ai muốn mình bị người khác xem thường. Có thể lời nói của bạn rất
hợp lý, rõ ràng, nhưng điều người ta quan tâm là cách bạn nói hơn là thông
điệp bạn chuyển tải. Hai nhân viên của tôi từng xích mích với nhau. Khi
bình tĩnh lại, một trong hai người đó nói với tôi rằng: “Anh có nghe anh ta
nói với tôi thế nào không? Rằng tôi là một kẻ ngu đần! Quả thực, tôi rất lấy
làm tiếc vì để sai lầm ấy xảy ra, nhưng tôi không phải là kẻ ngu và tôi
không thích bị nói như vậy!”.
Thật vậy, nếu bạn có một thông điệp muốn chuyển đến người khác
nhưng không biết phải diễn đạt thế nào, hãy thử nhẩm lại, chọn một cách
nói sao cho phù hợp nhất và cân nhắc xem thông điệp ấy sẽ được đối
phương hiểu ra sao. Trong trường hợp đối phương phạm phải một sơ suất
hay lỗi lầm nào đó, thay vì đổ lỗi, bạn nên tập trung vào cách giải quyết
vấn đề. Chẳng hạn, bạn đang cần gấp thông tin của ai đó nhưng người đó
lại không cung cấp cho bạn đúng lúc. Thay vì giận dữ, bạn nên tập trung
tìm giải pháp để có được những thông tin cần thiết một cách kịp thời, chính
xác. Thông điệp của bạn lúc này sẽ là: “Tôi không quan tâm đó là lỗi của
ai. Điều tôi muốn lúc này là chúng ta hãy bắt tay vào việc!”.
Đừng để thông điệp đầy thiện chí của bạn bị hiểu lầm. Muốn vậy, hãy
chọn cho mình cách diễn đạt tốt nhất để không đẩy người khác vào thế
phòng thủ. Xin nhớ rằng, người ta nghe và xem cách bạn truyền thông điệp
trước khi hiểu bạn đang cố nhắn gửi điều gì. Chẳng hạn, giọng điệu của bạn
khiêu khích hay nhún nhường; nhanh và đầy sức thuyết phục, hay chậm rãi,
điềm tĩnh nhưng cương quyết? Tóm lại, cách bạn nói chuyện với người
khác thế nào thì cách người ấy đáp trả cũng sẽ như vậy. Nếu bạn tức giận,
la lối trong khi giải thích, người nghe có khả năng sẽ phản ứng tương tự.
Khi điều này xảy ra, cơ hội đạt đến giải pháp tốt đẹp giữa hai bên sẽ bị
giảm sút.