được chấp nhận; chúng có thể bị cắt bỏ vì lý do làm trì trệ quá trình kinh
doanh.
Qua đây, bạn có thể thấy một màu sắc văn hóa đầy tính cạnh tranh có
mặt ở các công ty tiếp thị. Một vị trí hấp dẫn của công ty có thể thay đổi
hàng ngày, vì vậy, những người lãnh đạo hoặc những người giữ các vị trí
cao luôn tìm cách “đứng đầu” và chiến thắng. Kết quả là các nhân viên xuất
sắc trong lĩnh vực chuyên môn của họ là những người được chú ý, có nhiều
cơ hội thăng tiến hơn cả. Những người có khả năng cạnh tranh cao trong
công ty là những người được hưởng nhiều lợi nhuận và bản thân công ty đó
cũng được hưởng lợi ích từ những nhân viên này.
Từ hai ví dụ trên có thể thấy rằng, văn hóa công sở có thể bị ảnh hưởng
bởi lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Ở một công ty chuyên sản xuất
thì văn hóa trong công ty đó sẽ thiên về phương pháp, ổn định và dữ liệu
chính xác. Trong khi đó, văn hóa công sở tại một công ty tiếp thị, chuyên
về hoạt động kinh doanh thì lại nghiêng về cạnh tranh, năng động, nhạy
bén… Không có văn hóa nào tốt hơn hay kém hơn văn hóa nào. Mỗi môi
trường làm việc khác nhau sẽ có những nét văn hóa khác nhau, tương ứng
với lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, trên đây chúng ta vừa đi vào cắt nghĩa khái niệm “văn hóa công
sở”. Nói cách khác, chúng ta vừa minh họa hình dạng cái ổ khóa để chuẩn
bị cho những bước tiến trong môi trường doanh nghiệp. Tiếp theo, chúng ta
cần nhìn vào điểm chính - yếu tố con người - để xem nó phù hợp hay không
trong môi trường văn hóa công sở. Về bản chất, vấn đề chính nằm ở mỗi
chúng ta. Chúng ta thích hay không thích, chúng ta cư xử với nhau như thế
nào, yếu tố nào thúc đẩy và kìm hãm chúng ta…, tất cả sẽ góp phần hình
thành quan điểm riêng của mỗi người. Một khi hòa hợp được với văn hóa
công ty, mọi việc sẽ trở nên thuận lợi. Bạn sẽ dần đảm đương nhiều trọng
trách, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, hữu ích và hài lòng với công việc
của mình. Nói chung, mọi thứ đều dễ dàng, trơn tru giống như khi ta tra
đúng chìa vào ổ khóa vậy!