Tôi tìm đến nói chuyện với nhân viên thứ hai và sự thật đúng như vậy.
Cô ấy luôn theo dõi nhân viên kia và cảm thấy anh ta không quan tâm tới
những việc mà cô “chỉ dạy”. Cô khăng khăng cho rằng việc làm của mình
là đúng. Tôi bảo cô rằng, tôi hiểu ý định của cô nhưng vì hành động của cô
đang phá vỡ khả năng hoàn thành công việc của nhân viên khác nên cô cần
chấm dứt. Chỉ có sếp của anh ta mới có quyền can thiệp vào bất kỳ công
việc nào của anh ta và theo như tôi được biết thì cho đến thời điểm đó, vị
sếp này vẫn chưa phàn nàn gì anh ta cả.
Những điều tôi nói khiến cô hơi bối rối. Cô tự ái vì tôi đã chỉ thẳng hành
động tiêu cực của cô, trong khi cô cảm thấy mình có quyền và nhiệm vụ
đưa ra ý kiến với bất kỳ người nào khác. Tôi giải thích cho cô hiểu rằng,
một trong những quy định của công ty là không được quấy rầy, phiền nhiễu
người khác. Và thực tế thì hành động của cô cũng là một trong số đó. Ngay
lập tức, tôi nhận được một bài thuyết trình về kỹ năng, năng lực và ý định
của cô về việc tiếp tục thực hiện những gì mà cô cho là cần làm để nhóm
làm việc tốt hơn, rồi cô lao ra khỏi văn phòng. Cô ấy cho rằng mình có
quyền hành xử theo cách đó mà chẳng cần quan tâm người khác đang nghĩ
gì.
Câu chuyện nhỏ trên là một ví dụ về cách ứng xử trong môi trường công
sở. Đúng là trong công việc, có những điều đáng để ta đấu tranh nhưng
cũng có những điều không nên. Trong trường hợp trên, liệu cô nhân viên
của tôi sẽ được gì nếu cô ta thắng? Hành động của cô khiến người khác khó
chịu thì có thể xem đó là mục tiêu cao quý không? Chắc chắn là không. Cô
chỉ tạo thêm nhiều xung đột và làm mất thời gian của người khác mà thôi.
Tuy nhiên, tôi tin nhân viên kia sẽ nghĩ ra cách chấm dứt hành vi quấy
rối của người đồng nghiệp để không ảnh hưởng đến khả năng làm việc của
anh ta. Mọi nhân viên đều có quyền làm việc trong một môi trường thoải
mái. Bất kỳ người nào không may trở thành đối tượng của hành vi trên đều
có quyền và nghĩa vụ báo cáo với cấp trên hoặc phòng Nhân sự để được
tháo gỡ, giải quyết.