- Anh nói thật đi, bệnh em nguy hiểm lắm phải không?
Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình bất lực với câu chữ. Tôi không biết phải
mở thế nào. Sau một hồi quanh co, tôi quyết định nói thật, vì tôi tin đứa em
của tôi đủ mạnh mẽ và có quyền được biết về tình trạng sức khỏe của mình.
- Bệnh nguy hiểm hơn mình nghĩ. Nhưng anh và mọi người vẫn sẽ chiến
đấu với em tới cùng…
Rồi tôi kể lại với Bi những điều bác sĩ đã nói, từng chút một, vừa kể vừa
thăm chừng cảm xúc của em. Trong khoảnh khắc đó, tôi cảm nhận được sự
hụt hẫng tột cùng trên gương mặt vẫn còn cố nở nụ cười bình thản ban nãy.
- Vậy giờ mình phải làm thế nào anh?
Một câu hỏi nửa cố tỏ vẻ nhẹ nhàng, nửa hoang mang cầu cứu mà tôi
chẳng thể nào định nghĩa chính xác được. Điều khiến tôi ngỡ ngàng là Bi
không hề khóc khi biết cuộc đời mình giờ chỉ còn được tính bằng vài năm
ngắn ngủi. Nhiều người thường dùng nước mắt để đối diện với những nỗi
đau, để cân bằng sự tổn thương trong lòng mình. Nhưng có lẽ trước những
nỗi đau quá lớn, nước mắt cũng chẳng còn giá trị. Tôi cảm nhận nỗi hụt
hẫng của Bi đang lan tỏa trong từng mạch máu, nhưng đôi mắt em vẫn ráo
hoảnh. Em cũng chẳng than trách, chẳng hỏi tại sao số phận lại gắn vào đầu
mình một khối u như thế. Chỉ hoang mang là sẽ bước tiếp đoạn đường phía
trước thế nào, và gửi gắm niềm lo lắng ấy cho tôi. Như một thói quen, cũng
như bao lần tôi lên kế hoạch cho công việc ca hát của Bi. Phải làm thế nào?
Câu hỏi mà bản thân tôi cũng chẳng thể có câu trả lời rõ ràng lúc ấy.
- Anh cũng không biết. Nhưng mình sẽ chiến đấu tới cùng- Tôi nói với
Bi, mà cũng như tự nói với bản thân mình.
- Mình khoan nói với mẹ Tâm. Ba Quỳnh mới mất. Em sợ mẹ chịu đựng
không nổi. Anh cứ quyết định hết đi, anh sắp xếp sao em sẽ nghe theo như
vậy… Giờ em cũng chẳng biết phải làm sao…
Trước đây tôi từng suy nghĩ, cậu em tôi, dù ở tuổi 19, 25 hay thậm chí
35 tuổi vẫn sẽ giữ được vẻ ngoài và tính cách hồn nhiên hay cười như thế.