TU VIỆN THÀNH PARME - Trang 28

Nhiều nhà văn Pháp từng ở Ý nói đến “bài thơ phong cảnh” trong cuốn

tiểu thuyết này và khẳng định Stendhal tả phong cảnh Bắc Ý hết sức hấp
dẫn, tuy có sắp xếp lại đôi chút theo ước mơ của mình, có khi không ngần
ngại làm phép rời sơn đảo hải: Chẳng hạn dời dãy núi Alpes, đến gần Parme
để cho Fabrice từ trong tháp cao nhìn thấy, hoặc trồng rừng trên bờ sông Pô
vốn bằng phẳng trơn tru… Không có điều kiện kiểm tra vẻ đẹp ấy, chúng ta
cũng thấy cảnh vật nước Ý hiện ra trong văn Stendhal như trong giấc mộng
của một kẻ tương tư.

Tu viện thành Parme phê phán không kém ca ngợi. Tác giả thể hiện cái

tiểu triều đình, hình ảnh của một chế độ chuyên chế này như một sân khấu
hồi kịch, mọi quyền hành chức tước đều phân phối thông qua thần thế và
chạy chọt, bán mua một cách tự nhiên thoải mái. Các mỹ nhân sủng ái của
kẻ bề trên làm mưa làm gió. Mưu toan của một người đàn bà có thể làm cho
một người bị kết án hai mươi năm cầm cố trong tháp cao vời vợi, bởi một
tội lỗi chẳng có nghĩa lý gì. Rồi hầu như liền ngay sau đó, sự vận động của
một ngưởi đàn bà khác lại kéo kẻ đó ra khỏi tù, chiêu tuyết cho nó, lại đẩy
nó nhảy thoăn thoắt lên địa vị tổng giám mục cai quản giáo hội toàn công
quốc, tuy y chẳng có công trạng gì, thánh tính gì! Quận vương Ernest IV sợ
thích khách như trẻ con sợ ngoáo ộp, trị vì bằng ngục tù, máy chém, thuốc
độc, lật lọng. Quan chánh án tòa án tối cao để cho ông thủ tướng đá đít, và
đổi bí mật quốc gia lấy tiền bạc và tước phong. Là linh mục cao cấp (Borda)
mà tấn công vợ người không kết quả, bèn đến chồng tố cáo vợ ngoại tình.
Là tổng giám mục mà cải trang vào xem hát, một điều cấm giới nghiêm
ngặt của Giáo hội Thiên Chúa để nhìn trộm người yêu, gia công thuyết
pháp cho thật hay để kéo người yêu đến nghe giảng, nhỏ ròng ròng những
giọt nước mắt thương nhớ khiến cho con chiên tưởng là nước mắt từ bi, và
làm đủ mọi cách để cho người yêu cầm lòng không đậu, phải vi phạm lời
thề thiêng liêng trước Đức Mẹ, cuối cùng vì ích kỷ và bảo thủ, đã gửi một
thiên thần lên thiên đường (Sandrino con Fabrice) và cùng hai mỹ nhân
(một người yêu, một ân nhân) xuống… địa ngục và chắc là vị thánh tăng ấy
được ở cái vòng khốc liệt nhất của Dante (1265-1321).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.