quận vương nuôi cái “siêu cuồng vọng” làm vua lập hiến tại đất nước
Lombardie huy hoàng.
Hơn hai mươi văn kiện có khả năng di hại lớn đó do tự tay hoàng thân
viết hoặc ký. Trong trường hợp tính mạng Fabrice bị đe dọa thực sự, bá
tước dự định sẽ báo cho hoàng thân biết là ông sẽ trao những văn kiện ấy
cho một cường quốc, và cường quốc đó chỉ cần một tiếng là Điện hạ đi đời.
Bá tước tin rằng về phía nam tước Riva tương lai thì bảo đảm, chỉ còn
sợ thuốc độc mà thôi. Mưu toan của Barbone làm cho ông lo ngại quá, đến
mức phải làm liều một việc có vẻ như điên rồ. Một buổi sáng, ông đến cửa
ngục thành và cho mời tướng Fabio Conti, ông này xuống tận công sự bên
trên cổng. Ở đấy bá tước dạo chơi thân mật với quan tướng và sau mấy lời
phi lộ chua ngọt thích đáng, ông không ngần ngại nói thẳng:
— Nếu Fabrice chết một cách ám muội, người ta có thể qui tội cho tôi,
tôi sẽ bị xem là đứa ghen tuông; đó là một sự lố bịch kinh tởm mà tôi sẽ
kiên quyết không nhận, cho nên, nếu Fabrice chết vì bệnh hoạn, thì tự tay
tôi sẽ giết ông để rửa nhục cho tôi, ông nên tin như thế!
Tướng Conti đáp trả một cách lẫm liệt và nói đến sự dũng cảm của
mình, tuy nhiên ánh mắt của bá tước in sâu trong tâm trí ngài.
Vài hôm sau, có vẻ như phối hợp với bá tước, viên chánh án Rassi làm
một việc liều lĩnh khá lạ lùng ở một con người như thế. Sự khinh bỉ của
công chúng đối với tên tuổi y, tên tuổi này đã được bọn dân hạ tiện dùng để
ví von khiến cho y phát ốm từ khi y có cơ sở để hy vọng thoát khỏi tình
trạng ấy. Y gửi cho tướng Conti một bản sao chính thức bản án đã xử
Fabrice mười hai năm cấm cố ngục thành. Theo pháp luật thì việc ấy đáng
lẽ phải làm ngay hôm sau ngày Fabrice vào tù; nhưng điều chưa từng xảy ra
ở Parme, cái xứ của những biện pháp bí mật, là tòa án tự tiện làm việc ấy
không có lệnh truyền phán của quận vương. Quả vậy, làm sao duy trì được
cái hy vọng làm tăng nỗi kinh hoàng của nữ công tước mười lăm ngày một