Mẹ, chắc ai cũng còn nhớ, là không bao giờ nhìn thấy Fabrice; đó là nguyên
văn lời thề của nàng; do đó nàng chỉ tiếp Fabrice vào đêm, và không khi
nào để đèn lửa trong phòng.
Tối nào Fabrice cũng được người yêu tiếp đón. Điều đáng phục là ở
giữa cái triều đình ốm dở vì buồn chán, và vì bệnh tọc mạch những biện
pháp đề phòng của Fabrice đã được tính toán khéo léo đến nỗi không bao
giờ thiên hạ nghi ngờ là có cái “tình bạn”
ấy, theo cách người ta vẫn
nói ở Lombardie. Mối tình này nồng nàn quá cho nên không thể không có
bất hòa. Clélia rất dễ ghen, tuy nhiên hầu hết những xích mích đã xảy ra vì
một duyên cớ khác. Fabrice lợi dụng một vài vụ lễ bái công khai để đến
cùng một nơi với Clélia và ngắm nhìn nàng, tức thời nàng kiếm cớ để
nhanh chóng rời khỏi nơi đó và cấm cửa bạn một thời gian dài.
Đám triều thần ở Parme lấy làm lạ sao một phụ nữ đẹp đến thế, thông
minh và có học thức đến thế lại không có một quan hệ yêu đương thầm kín
nào. Nàng làm nảy sinh những say đắm gây nên nhiều hành động điên dại
và Fabrice cũng nhiều khi ghen tuông.
Đức giám mục Landriani đôn hậu đã qua đời lâu rồi. Lòng thành tín,
tác phong đạo đức gương mẫu và tài hùng biện của Fabrice đã khiến thiên
hạ quên đức cố tổng giám mục từ lâu. Người anh cả của chàng cũng qua
đời, tất cả tài sản gia đình đều qua tay chàng. Từ ngày ấy, mỗi năm chàng
phân phát cho các cha xứ trong địa phận số bổng lộc hơn một trăm nghìn
francs về chức vụ tổng giám mục mà chàng được hưởng.
Thật khó mà mơ ước đến một cuộc sống được quí trọng hơn, danh giá
hơn và có ích hơn cuộc sống của Fabrice! Tuy nhiên mọi việc đã bị đảo lộn
bởi cái khát vọng tình cảm tai hại của chàng.
Một hôm Fabrice nói với Clélia: