đúng 6 giờ các trò và các thầy giáo phải tề tựu đông đủ tại sân trường , mặc
áo dài trắng sạch sẽ , và mỗi trò cầm một cây cờ Tam Tài lớn bằng một tờ
giấy tây , sắp hàng tề chỉnh , để các thầy giáo dẫn đi dự lễ Quốc-khánh , và
chào mừng quan Công Sứ. Trò nào khiếm diện hôm đó , sẽ bị đuổi luôn.
Ông Đốc học Phạm văn Mỗ truyền huấn lệnh rõ ràng , và nghiêm khắc như
thế , rồi ra về.
Tuấn-em về nhà nói chuyện lại cho anh và cha mẹ nghe lời căn dặn của ông
Đốc. Thím Ba , mẹ Tuấn , nói :
- Không lẽ may một lá cờ tam sắc nhỏ bằng tờ giấy tây mà phải đi mua ba
thứ vải ba màu sao ! Mẹ cắt một tấm vải trắng ra thành ba , mẹ mua phẩm
xanh, phẩm đỏ về nhuộm hai miếng , rồi mẹ may lại , được không ?
-Thưa mẹ , không được đâu. Ông Đốc bảo phải mua vải xanh, vải đỏ.
Nhưng Phán Tuấn ngắt lời em :
- Ông Đốc bảo thế , kệ ổng. Mẹ cứ nhuộm vải trắng rồi may. Miễn có cờ ba
sắc là được... Nhưng Ông Đốc này làm lố quá. Nghỉ hè , không cho học trò
về quê thăm cha mẹ , bắt ở lại đến 14-7 để đi chào mừng ông Sứ là nghĩa lý
gì ? Lễ Quốc-khánh của Tây , chớ của An-nam sao ? Nếu muốn dẫn học trò
đi chào ông Sứ , thì học trò ở tỉnh được hơn trăm đứa cũng đủ rồi , cần gì
phải bắt học trò quê ở các Phủ huyện xa phải ở lại ? Ông Sứ có bắt buộc
như thế đâu ?
Tuấn-em hỏi anh :
- Lễ 14-7 là lễ gì , anh Hai ?
Phán Tuấn lấy sách Sử Ký Pháp ra giảng cho em hiểu :
- Đấy là một ngày lễ kỹ niệm cuộc Cách mạng Pháp. Dân chúng Pháp uất
ức vì bị nhà Vua hà hiếp , thuế má nặng nề , nên họ nổi dậy phá tan ngục
Bastille , và đòi bắt chém vua...
Tuấn kể dài nữa , thật dài và thật rõ ràng đầu đủ về cuộc Cách mạng nổi
dậy ngày 14 tháng 7 năm 1789 , ở Paris...
Tuấn-em nghe say mê lời anh thuật chuyện và sáng hôm sau cũng phải đến
trường tập hát bài quốc Pháp , La Marseillaise, theo lịnh của ông Đốc.
Sáng ngày 14-7, Tuấn-em phải cầm lá cờ Tam tài đến trường đúng 6 giờ.
Học trò và các thầy giáo đều đến đông đủ , đếm tất cả trường được 415 trò