C
Cái khó bó cái khôn – Người vốn suy-nghĩ sáng-suốt, khôn-ngoan,
muốn ăn-ở cho ra người tử-tế, thủy chung nhưng vì không có tiền, vì nghèo
khó mà cái khôn-ngoan bị bó-thắt lại, không thi-thố ra được ; câu này đại ý
nói vì nghèo nên không thể khôn-ngoan được.
Cái sẩy nẩy cái ung – Cái sẩy tức là nốt rôm, sẩy là nốt nho-nhỏ mọc
trên da thịt. Cái sẩy tuy bé vậy, song nếu không khéo làm cho nó lặn đi, và
để vi-trùng lọt vào thì cái sẩy có thể nẩy nở thành cái ung, tức là một cái
mụn to nguy hiểm. Việc đời cũng vậy, không khéo dàn xếp ổn-thỏa thì việc
bé có thể xé thành việc to, có hại.
Cái tóc cái tội : Theo đạo Phật, làm thương tổn đến cầm thú cây cỏ
côn trùng đều phải tội cả vì những loài ấy cũng đều như người ta do trời
sinh ra. Theo quan-niệm đó thì con người ta làm nên lắm tội lắm, số tội
nhiều bằng số tóc trên đầu.
Cạn tàu ráo máng – Tàu là cái máng đựng cỏ, đựng thóc cho ngựa
hay loài vật khác ăn. Máng là cái máng hứng nước ở mái nhà rỏ xuống.
Cạn tàu ráo máng nghĩa đen là quét, lau sạch khô cả tầu cả máng, nghĩa
bóng là ăn ở, cạn hết nhân-nghĩa, xử sự một cách quyết-liệt, đi đến sự lìa bỏ
nhau, cự tuyệt nhau.
Cầm khoán bẻ măng – khoán tức là khoán-ước, khoán-lệ tức là giấy
tờ định việc cấm-đoán và trừng-trị, bắt vạ những việc phạm vào cấm-lệ.
Ngày xưa trong làng xã, để bảo-vệ tre-pheo, người ta thường đặt khoán-lệ
cấm bẻ măng tre. Vậy mà kẻ có quyền-thế tức như ông Lý ông Xã cầm
khoán-lệ ấy mà lại thường tự tiện bẻ măng tự tiện phạm vào cấm-lệ. Câu
này nói mình định ra luật mà lại không tuân theo, lời nói và việc làm trái
ngược nhau.
Có con tội sống không con tội chết – Có con trai, nếu nó làm những
việc tồi-tệ, thì cha mẹ phải lo-lắng và bị liên-lụy, như vậy là tội lúc còn