H
Há miệng chờ sung – Nằm dưới gốc cây sung. Há miệng ra chờ cho
quả sung nào rụng trúng vào miệng thì ăn. Thế là há miệng chờ sung, ý nói
kẻ lười biếng chỉ chực ăn sẵn, không chịu làm lụng gì.
Há miệng chờ ho – Lúc nào ho thì lúc ấy hãy há miệng, đằng này, lại
há miệng sẵn để chờ cơn ho, như vậy là chờ đợi một việc không biết bao
giờ sảy tới, chờ-đợi hão-huyền.
Hà tiện ăn cháo hoa – Câu này ý bỏ lửng ở giữa. Phải nói thế này thì
mới đủ ý : Hà tiện mà ăn cháo hoa, đồng đúc đồng đậu hóa ra ba đồng.
Nghĩa là nghĩ rằng ăn cháo hoa cho đỡ tốn, không dè lại phải ăn kèm theo
đậu và bánh đúc (có lẽ là lối ăn cháo hoa ngày xưa ăn kèm bánh đúc) thành
ra tốn mất những ba đồng, rút cục chẳng hà-tiện được chi cả. Câu này ý nói
hà tiện không phải đường.
Hai mắt dồn một – Bận vội quá, chúi mũi làm cho xong việc, hai mắt
dồn cả vào một chỗ.
Hai sương một nắng – Hai sương là sương buổi sáng sớm và sương
buổi chiều tối. Một nắng là trời nắng suốt ban ngày. Hai sương một nắng
nói người làm ruộng vất-vả phải dãi nắng cả ngày và chịu dầu sương hai
buổi sớm, chiều.
Hàng tổng đánh cướp – Cướp đến làng nào thì dân làng ấy đánh
cướp mới hăng vì không đánh thì cướp sẽ cướp cả mọi nhà, không từ nhà
nào. Còn như người hàng tổng đến ứng-cứu, thì vì quyền-lợi không thiết
cận như đối với dân làng, nên chỉ đánh qua-loa, lấy lệ. Câu này thường
dùng để chỉ một việc làm lấy lệ, chỉ cốt hình-thức bề ngoài.
Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại – Hòn đất nhẹ, hòn chì nặng hơn.
Người quăng hòn đất đi, kẻ lại ném hòn chì lại, kẻ nói đi thì nhẹ, kẻ nói lại
thì nặng, tình-trạng ấy gây nên chuyện cãi lộn, bất-hòa.