người ta chớ nên tự phụ rằng mình nguyên lành mà khinh bỉ người đui mù
què quặt ; đến người già 70 tuổi cũng chưa chắc đã khỏi bị tàn-tật vì việc
đời xẩy ra bất thình lình, có khi chỉ trong một chớp mắt, mà người lành
bỗng hóa người què, vì một tai-nạn rủi-ro chi đó.
Bẻ hành bẻ tỏi – Hành tỏi có nhiều nhánh bé. Bẻ hành bẻ tỏi là bẻ
hành, tỏi ra từng nhánh bé nhỏ. Nghĩa bóng, câu này muốn nói bắt bẻ
những điều vụn-vặt, không đáng bắt bẻ.
Biết thì thưa thốt không biết dựa cột mà nghe – Thưa thốt là nói
năng, một cách lễ phép. Thốt tức là thuyết (chữ Tàu) nói trạnh ra. Câu này
nghĩa là : điều gì mình biết thì mình hãy nói, điều gì mình không biết thi cứ
im-lặng (dựa cột là im-lặng) mà nghe. Đại ý khuyên người ta không nên
nói bậy nói bạ những điều gì mình không hiểu rõ.
Bóc ngắn cắn dài – Bóc đây là bóc bánh, bóc chuối. Bóc ngắn cắn dài
là bóc lá, bóc vỏ thì ngắn mà ăn thì cắn miếng dài hơn, quá cả chỗ bóc, tức
là không đủ ăn. Người ta thường dùng câu này để nói sự kiếm được ít mà
tiêu thì nhiều, luôn luôn thiếu-thốn.
Buôn chung với Đức Ông – Đức Ông là tiếng nôm tôn xưng các ông
Hoàng (tức là anh em bà con nhà Vua) thời xưa. Đức Ông là bà con thân
thích với nhà Vua, thế-lực dĩ-nhiên là to-tát lắm, nhân dân ai cũng kính sợ.
Bỏ vốn buôn chung vói Đức Ông thì được tiếng là giao-thiệp đi lại với
người quyền quí, nhưng chẳng được lợi-lộc gì, chỉ bị thiệt thòi, vì bao giờ
chả phải nhường Đức Ông phần hơn, mình chịu phần lép. Câu này đại ý
khuyên người ta về việc giao-thiệp buôn bán cần phải suy tính lợi hại thiết
thực không nên chuộng cái danh giá hão.
Buôn tầu buôn bè không bằng dè miệng – Buôn tầu là buôn bán
phải dùng tầu thủy chở hàng, tức là buôn to, buôn bè là buôn gỗ, chở thành
từng bè, cũng tức là buôn to. Dè miệng là ăn dè sẻn, hà tiện. Câu này nghĩa
là buôn to bán lớn cũng không bằng bớt sự ăn tiêu. Nếu ăn tiêu hoang-tàn
xa-xỉ quá thì buôn to bán lớn đến mấy cũng không thể làm giàu. Đại-ý
khuyên người ta nên tiết-kiệm, nhất là sự ăn uống.