Có tiền mua tiên cũng được – Tiên là bà tiên, cô tiên, một hạng
người đẹp cả người lẫn nết, không bao giờ chết, lúc biến lúc hiện, do trí
tưởng-tượng người ta hình-dung ra. Tiên là một hạng người không có thực,
vậy có tiền cũng không thể mua. Câu này cực-tả cái giá-trị của đồng tiền,
đại ý nói rằng có tiền thì việc khó đến đâu, cũng làm được, của hiếm đến
đâu cũng mua được. Không tiền thì cái rất tầm thường nhất cũng không
mua được. Có câu tục-ngữ tiếp theo câu trên « không tiền mua lược không
xong ».
Có tiếng không có miếng – Có tiếng là có danh tiếng to. Không có
miếng là không có miếng ăn, tức là không có nhiều tiền của. Người ta
thường mượn câu này để nói người có hư-danh mà quyền-hành thực tế
không có gì ; hoặc người có tiếng giầu sang mà thực ra bề trong vẫn nghèo
túng.
Có thực mới vực được đạo – Thực là ăn. Vực có hai nghĩa :
1) Ôm bế nhẹ nhàng một người vóc lớn đem từ nơi này đến nơi khác.
Dùng nghĩa rộng vực có thể có nghĩa là đem từ nơi này tới nơi khác tức là
truyền đi, chở đi.
2) Học tập, luyện tập hay dậy bảo ; nghĩa thấy trong những tiếng Vực
trâu, vực bò, trâu bò mới vực. Vì chữ Vực có hai nghĩa mà người ta có thể
hiểu câu trên theo hai cách khác nhau :
1) Có ăn thì mới truyền hoặc chở được đạo lý Thánh Hiền. Chữ Hán
có câu : Văn dĩ tái đạo nghĩa là : Văn dùng để chở Đạo.
2) Có ăn thì mới học tập được Đạo lý. Chưa biết hiểu theo cách nào
đúng hơn, Nhưng đại ý câu này không chú trọng vào chỗ chở đạo hay học
đạo, mà cốt nói rằng miếng ăn tức vấn-đề kinh-tế quan-trọng hơn hết và
phải được giải quyết trước hết, trước cả vấn đề Đạo-lý mà xưa kia nhà Nho
cho là một vấn-đề hệ-trọng hơn sự sống chết. (Thí-dụ như Tống-nho nói :
chết đói là sự nhỏ, thất tiết là việc to).
Cóc vái trời – Cóc ở trong hang hay chỗ tối tăm ẩm thấp. Trời thì ở tít
mù xanh, cách chỗ cóc ở rất xa. Vậy mà cóc vái trời thì trời biết thế nào