minh thuyết di-truyền, câu này đại ý nói con nhà giòng-giõi thế nào cũng
có cái hơn người.
Con nhờ đức mẹ – Đức là đạo-đức, phúc đức, đức hạnh, đây có nghĩa
là đức-độ, đức hạnh. Con nhờ đức mẹ : Người con tốt hay xấu, giỏi hay hư,
làm nên hay không là nhờ ở đức hạnh người mẹ. Người mẹ có đức tốt thì
con cũng sẽ có đức tốt do lẽ di truyền và do sự giáo-huấn của người mẹ.
Nêu cái ảnh hưởng đạo đức của người mẹ đối với người con, câu này ngụ ý
khuyên các bà mẹ nên giậy dỗ con cái cho có khuôn phép.
Con sâu làm dàu nồi canh – Làm dàu là làm úa héo. Con sâu làm
dàu nồi canh : có con sâu lẫn vào rau khi nấu canh thấy sâu không ai ăn
canh nữa. Thế là làm dàu nồi canh đi, có ý như rau bị úa héo (dàu), nên
không ai buồn ăn canh. Câu này đại ý nói một người không ra gì thì làm
xấu lây cả xã-hội. Người ta thường nói câu này liền với câu sau : một người
làm đĩ xấu danh đàn bà nghĩa là chỉ có một người đàn bà làm đĩ, mà tất cả
đàn bà bị tiếng xấu lây.
Công cha như núi Thái-sơn, công mẹ như nước trong nguồn chảy
ra – Núi Thái-sơn là quả núi cao lớn bực nhất nước Tàu, thường được gọi
là « mái nhà của thế-giới ». Công cha như núi Thái-sơn nghĩa là công lao
của người cha to tát cao lớn như núi Thái-sơn không biết thế nào mà đo
lường được. Nước trong nguồn là nước ở chỗ giòng sông giòng suối bắt
đầu rỉ ở mạch đất ra. Nước mạch tức nước nguồn chảy ri-rỉ quanh năm
không lúc nào ngừng, giòng nước coi tuy nhỏ, song nước ấy làm ra sông
con, sông lớn và làm nên biển cả mênh mông. Công mẹ như nước trong
nguồn chảy ra, nghĩa là công người mẹ mới coi như nhỏ bé, lặt-vặt, song
mẹ không lúc nào ngừng công lao, nên công mẹ cũng không thể nào lường
được, cũng như không ai lường được nước trong nguồn chẩy ra. Câu này đề
cao công ơn cha mẹ để khuyên người con nên ăn ở hiếu thảo đền trả lại
công ơn ấy.
Cờ bạc là bác thằng bần – Cờ là đánh cờ. Ngày xưa đánh cờ ăn tiền,
cũng là một lối đánh bạc. Thời vua Lê Thái-Tổ, ai đánh cờ phải tội chặt