H
Há miệng mắc quai – Quai dây là quai nón ; quai nón giữ lấy cằm ;
muốn mở miệng ra nói thì bị mắc quai nón không mở được. Đó là nghĩa
đen. Nghĩa bóng, câu này có ý nói muốn nói ra để phản đối việc gì, song đã
trót chịu ơn người ta, (như người đã đội nón) nên miệng như bị mắc, không
nói được.
Hai thóc mới được một gạo – Hai phần thóc xay giã ra chỉ được một
phần gạo, tức là còn một nửa. Người ta thường mượn câu này để nói cảnh
hiếm con, sinh hai bận mới nuôi được một bận.
Hằng hà sa số – Hằng-hà là con sông lớn bên nước Ấn-Độ. Sa số là
số cát. Hằng hà sa số là số cát ở sông Hằng-hà, ý nói nhiều lắm, nhiều vô
kể, không sao đếm được. Câu này thường dùng trong các kinh Phật. Đạo
Phật gốc từ Ấn-độ nên kinh Phật hay nói đến sông Hằng-Hà.
Hằng sản hằng tâm – Câu này do câu « hữu hằng sản, hữu hằng tâm
» trong sách Mạnh-Tử. Hữu hằng sản hữu hằng tâm hay nói tắt là Hằng sản
hằng tâm nghĩa là thường có của lại thường có lòng. Có lòng tức là có lòng
tốt, lòng thương người, lòng nhân đức.
Hí hửng như Ngô được vàng – Ngô tức là người nước Ngô hay là
người Tàu. Xưa người Tàu đô hộ nước ta, các quan Tàu sợ lệnh vua Tàu,
không dám đem vàng bạc về nước, thường chôn của cải ở bên ta, phong
thần giữ của, ghi chép lại trong gia-phả để con cháu đời sau biết chỗ sang
lấy về. Đời sau con cháu nghèo hèn sa-sút sang nước ta tìm vàng bạc của
ông cha chôn giấu. Đang nghèo khổ sa-sút mà tìm được vàng bạc để từ mấy
đời trước, lẽ cố nhiên là người ta hý-hửng lộ ra điệu bộ và nét mặt, cho nên
có câu hí hửng như Ngô được vàng. Người ta thường dùng câu này để tả sự
vui mừng lộ ra nét mặt và điệu bộ.
Học khôn đi lính học tính đi buôn – Ở nơi quân ngũ có đủ các hạng
người, và có đủ người tứ xứ. Đó là một xã-hội rất phức-tạp ; muốn đối xử