L
Làm đầy tớ người khôn hơn thầy người dại – Làm thầy người dại
nhiều khi mang tiếng dại lây, vì đầy tớ ngu dại nhiều khi làm xấu cả mặt
thầy mà không biết. Làm đầy tớ người khôn thường được thầy bênh-vực,
chống đỡ cho một cách khôn-khéo, có khi mình dại mà được tiếng khôn,
mà chắc chắn không bị tiếng dại lây.
Làm khi lành để dành khi đau – Lành là lành mạnh khỏe mạnh. Đau
là ốm đau, yếu đau, có bệnh tật. Làm khi khỏe mạnh để dành phòng khi ốm
đau, vì đau thì không làm được. Câu này khuyên ta nên lo xa, lúc khỏe nên
lo lúc ốm, khi có nên phòng lúc không, khi làm được nên nghĩ đến khi
không làm được.
Làm phúc cũng như làm giầu – Làm phúc là bỏ tiền bạc của cải ra
giúp đỡ người nghèo khó cơ nhỡ. Làm phúc như thế tuy có hao tổn của cải
đi ít nhiều, song cũng không mất hẳn. Chỉ như để dành một nơi mà thôi.
Bởi vì bỏ của ra làm phúc như vậy thì được nhiều người kính mến, chịu ơn.
Lỡ sau này mình gặp cơn hoạn-nạn, tai-biến gì, cũng có người cưu mang
giúp đỡ. Vì trong khi mình làm phúc đã gây được bao nhiêu bạn-bè, đã mua
chuộc được lòng bao nhiêu người thiên-hạ. Cho nên nói rằng làm phúc
cũng lợi và cũng cần ngang với làm làm giầu. Câu này khuyên những
người có hằng sản nên có hằng tâm (có của nên có lòng làm phúc).
Làm quan có mả kẻ cả có giòng – Mả là mồ mả, đất cát ; người ta tin
rằng mồ mả của ông cha có ảnh hưởng đến đời sống và công danh sự
nghiệp của con cháu. Hễ mồ mả « kết » thì con cháu phát đạt làm nên. Mả
táng vào chỗ không tốt thì con cháu sa sút lụn bại. Cho nên có câu : làm
quan có mả nghĩa là có mồ-mả, đất cát « kết phát » thì mới làm được quan
sang. Kẻ cả là nguời lớn, là người trên, người đứng đầu, người đàn anh. Có
giòng là có giòng dõi, tức là xưa cha ông có từng làm đàn anh thì sau này
con cháu mới làm được đàn anh. Đời xưa dưới chế độ phong-kiến (như đời
Lý đời Trần) con quan thì lại làm quan, câu này rất đúng. Bây giờ thì không