thức ăn thích nhất của chim giẻ cùi. Theo nghĩa bóng câu này muốn nói : kẻ
bạc ác bạo ngược đến đâu cũng có người trị nổi, ý nghĩa tương tự ý nghĩa
câu « vỏ quít dầy móng tay nhọn » hay « bệnh quỉ có thuốc tiên ».
Bốc mũi bỏ lái. – Bốc thóc gạo, đồ-đạc hay củi đuốc ở đằng mũi
thuyền (tức là phía trước) bỏ sang đằng lái thuyền (tức là phía sau thuyền) ý
nói xoay-xở, mà không thêm được kết-quả. Đàng mũi nhẹ thì đàng lái nặng,
đàng lái nhẹ thì đàng mũi nặng, kết cục thuyền cũng không nặng, nhẹ thêm.
C
Cá nằm trốc thớt. – Mổ cá người ta để cá lên thớt. Cá nằm trốc thớt là
cá sắp bị mổ thịt. Người ta thường mượn câu này để nói cái cảnh nguy-hiểm,
chưa biết sống, chết lúc nào.
Cách sông mới phải lụy đò. – Vì có ở cách sông thì mới phải phiền-
lụy đến lái đò. Lụy là phiền lụy, quị lụy, hạ mình, chịu nhún. Câu này thường
mượn để nói vì lẽ này lẽ khác, việc nọ việc kia bất đắc dĩ mới phải quị lụy
nhau, không dưng thì chả ai phải lụy ai cả.
Cẩn tắc vô ưu. – Cẩn-thận thì không phải lo-lắng. Câu này có ý
khuyên người ta : 1) Cất giữ kín-đáo thì không lo mất của. 2) Đề-phòng cẩn
thận thì không lo sảy ra những sự không may bất ngờ. 3) Thận trọng làm
việc thì không lo việc hỏng. 4) Làm việc chu-đáo kỹ càng thì không lo
không có kết quả. Ý câu này rất đúng. Ở đời, những sự thua thiệt, thất bại,
lầm lỡ, đều do sự cẩu thả trong ý nghĩ và trong việc làm mà ra.
Cây thẳng bóng ngay, cây nghiêng bóng vạy. – Ngay là thẳng, không
cong. Vạy là cong, là không thẳng. Cây thẳng bóng ngay là cây thẳng thì
bóng cũng thẳng. Cây nghiêng bóng vạy là cây không thẳng thì bóng cũng
cong. Câu này lấy cây với bóng làm thí dụ, có ý khuyên người trên, như cha
mẹ, anh chị trong nhà, đàn anh đàn chị trong làng, các vị quyền quý trong
nước, nên ăn ở cho ngay thẳng, để người dưới theo. Người trên ví như cây
nêu (tiêu biểu) người dưới ví như cái bóng. Cây ko thẳng-thắn thì bóng cũng