cong queo, người trên ăn ở không chính-đính, thì người dưới cũng sẽ ăn ở
bậy bạ.
Cha hát con khen, ai chen vô lọt. – Vô tiếng miền Trung nghĩa là vào.
Cha hát con khen, ai chen vô lọt, nghĩa là cha hát mà con khen, thì tất nhiên
là khen lấy khen để, khen đến hết lời, người ngoài không còn ai có thể chen
lời vào được nữa, tức là không có chỗ tỏ ý kiến. Câu này ngụ ý chê những
người cùng một nhà, cùng một bè phái khen ngợi lẫn nhau, cho những lời
khen ngợi đó vô giá trị cũng như lời con khen cha. Ý-nghĩa cũng na-ná ý
nghĩa câu « mẹ hát con khen hay ».
Chết chẳng muốn, muốn ăn xôi. – Tục nước ta trong các buổi tế-lễ,
giỗ, chạp, cưới, hỏi, đều có xôi làm món lễ vật đầu vị. Cúng người chết,
cũng phải có xôi trước tiên. Cho nên người ta thường dùng hai tiếng « ăn
xôi » để nói bóng thay tiếng chết. Chết chẳng muốn, muốn ăn xôi. Nghĩa đen
là chết không muốn lại muốn người ta đem xôi tế mình. Nghĩa bóng : câu
này chê người muốn ăn mà không muốn làm muốn giầu không chịu khó,
muốn thi đỗ không chịu học hành…
Chị ngã em nâng. – Chị nếu lỡ bị ngã, thì em có bổn-phận phải nâng
chị dậy, chứ em không nên thấy chị ngã, lại lấy làm thích, bưng miệng cười.
Câu này bỏ lửng ý ở đoạn sau. Đáng lẽ phải nói cả câu như thế này mới lọn
ý : chị ngã em nâng, đừng thấy chị ngã em bưng miệng cười. Lấy việc chị
ngã em nâng ra làm thí-dụ, câu này đại ý khuyên anh em chị em nên giúp đỡ
lẫn nhau trong khi hoạn nạn.
Chim Việt cành Nam. – Tương truyền ngày xưa nước Việt-Thường (ở
phía Nam nước ta, ngày xưa nước ta là Giao-Chỉ) có đem chim trĩ cống vua
nhà Chu bên Tàu. Vua Tàu nuôi chim trĩ đã quen, thả ra cho tự-do bay, đậu
trong vườn Thượng Uyển (vườn nhà vua). Chim nhớ nơi sinh trưởng tức là
nước Việt-Thường ở phía Nam nước Tàu, nên bao giờ cũng chọn cành cây
phía Nam mà đậu. Người ta thường mượn câu « Chim Việt cành Nam » để
nói rằng vật còn nhớ nước huống chi người.