con họ-hàng không đẹp lòng, họ không muốn đến nhà nữa. Thế là vì con dâu
dữ mà mất cả họ-hàng. Cũng như nhà mà có chó dữ thì láng diềng không
dám sang chơi, và thế là mất láng diềng vậy.
Dốt đặc hơn hay chữ lỏng. – Dốt đặc là dốt hẳn không biết gì, hình
như óc đặc lại trí khôn nhồi không vào được. Hay chữ là thông chữ nghĩa.
Hay chữ lỏng là biết chữ nửa chừng không biết đến nơi đến chốn. Câu này
nghĩa là : thà dốt đặc không biết chữ gì lại hơn là hay chữ lỏng ; vì người dốt
đặc thì yên phận không biết chữ, có điều gì cần đến chữ thì đi nhờ người ta ;
còn người hay chữ lỏng tự phụ mình hay chữ, lắm khi dùng chữ sai lầm, làm
trò cười cho người khác, hoặc có khi đọc chữ nọ ra chữ kia, hiểu nghĩa này
ra nghĩa khác, gây nên thiệt-hại cho mình.
Đ
Đánh chó ngó chúa. – Chúa tức là chủ. Chó nào cũng có chủ nuôi.
Đánh chó thì ai cũng đánh được và có thể đánh chết. Nhưng trước khi đánh
nên ngó (nhìn) chủ nuôi con chó. Không ngó chủ nuôi, cứ tự tiện đánh chó,
tất nhiên làm mất lòng chủ nuôi nó. Của đau con xót, người chủ con chó sẽ
hoặc bắt đền mình hoặc gây truyện khó dễ cho mình, có khi sinh lôi-thôi to.
Đánh chó còn vậy, huống chi đánh con cái, tôi tớ nhà người ta. Câu này dạy
cách cư-xử ở đời. Nó lú nhưng chủ nó khôn. Ta không sợ gì con chó nhưng
ta nể người chủ. Cây đa, thì chả sợ gì nhưng còn ông thần. Hành-động mù
quáng không suy-xét, truyện bé có khi xé ra to.
Đánh đu với tinh. – Đánh đu là một việc nguy-hiểm, lỡ tuột tay tuột
chân là ngã gẫy xương. Tinh là một thứ ma khôn (?) có thể biến thành hình
người, cũng gọi là yêu tinh. Yêu-tinh là đánh đu thì tất phải bổng tít ngọn
cây và đánh mãi không biết mệt, vì yêu-tinh có phép biến-hóa thần-thông (?)
Người ta đi đánh đu tay đôi với tinh, thì dại vì chịu sao nổi sự mệt nhọc của
cuộc đánh đu quá bổng và quá lâu. Câu này thường mượn để chê người khờ-
dại đi đua đòi bắt chước người giầu sang hoặc người ở địa-vị cao hơn.