Constantin Sergheevich rất ngạc nhiên khi thấy bà bí thư nắm vững mọi
tình hình ở lớp anh như vậy. Anh cảm thấy khó chịu có cái cảm giác của
một người trung thực khi bị người ta nghi ngờ là mình đang làm một điều
gì ám muội.
- Tại sao lại chọn đề tài như vậy ư? Bởi vì đề tài đó làm các em quan tâm
hơn cả. Bởi vì đề tài đó chứa đựng những gì quan trọng nhất. Còn tại sao
không có người báo cáo, không có tài liệu trích dẫn? Tại vì, tôi muốn biết ý
nghĩ độc đáo của các em, ý nghĩ thật lòng của các em, quan điểm của chính
các em, chứ không phải những gì đó lấy trong sách ra. Những ý nghĩ của
người khác, tự tôi tôi cũng biết được.
- Nhưng rồi bọn con gái ấy nó sẽ nói cho anh nghe những điều cũ rích vô
nghĩa... Cũng đọc trong sách ra... như của Trarxcaia chẳng hạn.
- Cái đó còn để xem. Tôi không hiểu, cái gì đã làm chị hoảng sợ thế?
- Tôi không sợ mà tôi lo là chúng sẽ nói ra những ý nghĩ dại dột, có hại...
- bà bí thư bắt đầu, nhưng Constantin Sergheevich ngắt lời bà: - Nói một
cách khác là chị không tin vào công việc của các đồng chí của mình? Chị
cho rằng trong quá trình mười năm, nhà trường không thể cung cấp cho các
em những kiến thức vững chắc, không dạy nổi các em phân biệt được điều
tốt, điều xấu, điều có lợi và có hại? Chị cho rằng những cô gái mười bảy
tuổi không thể có quan điểm ư?
- Quan điểm thì nhất định là các cô ấy có, nhưng vấn đề là quan điểm
như thế nào kia.
- Chị nói như thế nghĩa là thế nào? Những cô gái sinh trưởng và lớn lên
trên đất nước xô viết còn có thể có những quan điểm như thế nào nữa?
- Anh không hiểu đúng tôi, anh Constantin Sergheevich ạ. Tôi không
muốn nói về quan điểm chính trị.
- Không... - người thầy ngắt lời bà bí thư. - Chúng ta hãy làm cho vấn đề
sáng tỏ. Tôi không thể phân loại và xếp vào các ngăn tất cả những quan
điểm... Đã thảo luận là thảo luận. Chúng ta cần quan tâm làm sao cho học
sinh của chúng ta biết độc lập suy nghĩ. Có đúng thế không? Hay chị cho