sẽ không can thiệp trong những trường hợp như vậy. Hơn nữa việc đó đã
xảy ra khá lâu rồi. Còn câu hỏi thứ ba?
Câu nói cuối cùng của Constantin Sergheevich cho biết là anh đã trả lời
xong. Bà bí thư lại đánh dấu vào sổ ghi chép và tiếp tục.
- Tamara vẽ biếm họa làm ảnh hưởng đến uy tín giáo viên, anh đã có
biện pháp gì và người có lỗi đã bị xử lý như thế nào?
- Biện pháp - người thầy giáo nói với giọng giễu cợt. - Tôi có dùng biện
pháp. Bức biếm họa vẽ rất tài và tôi đã xin làm kỷ niệm.
- Điều đó thì tôi có biết!
- Nếu như chị đã biết thì còn hỏi tôi để làm gì nữa?
- Tôi có biết nhưng không hiểu. Biện pháp như thế thì có vẻ giống một
sự khuyến khích hơn là khiển trách.
- Chính là sự khuyến khích mà lại. Con bé thật có tài.
- Constantin Sergheevich, có lẽ chúng ta chẳng nên chơi cái trò bịt mắt
đuổi bắt này nữa, - bà Sophia Borisovna bực bội ngắt lời anh - Tôi không
có lòng dạ nào để đùa nữa. Cái giọng của một người thẩm phán vụng về mà
bà Sophia Borisovna dùng để hỏi Constantin Selgheevich đã làm anh phát
cáu, anh hít không khí vào đầy lồng ngực, định bụng sẽ nói một hơi tất cả
những gì anh nghĩ về việc này, nhưng anh kịp kìm lại.
- Và tôi cũng không hề đùa - anh lạnh lùng nói. - Bức vẽ của Tamara chỉ
động chạm đến tôi. Và chỉ riêng một mình tôi... Tôi không hề thấy có điều
gì xúc phạm đến uy tín tôi cả. Bức biếm họa đó không dính dáng gì đến
những giáo viên khác. Cả với chị nữa. Chị tiếp tục đi!
Sophia Borisovna cảm thấy Constantin Sergheevich khó chịu nên bà hỏi
tiếp có vẻ thận trọng hơn:
- Câu hỏi thứ tư có liên quan đến tờ báo tường. Nghe nói anh cho các em
bỏ tờ báo tường phải không?
- Ngược lại! Tờ báo tường sẽ ra hàng tuần nhưng gọi là bản tin.
- Gọi tên là “Vì cái đẹp”? - Bà Sophia Borisovna hỏi anh với một ngụ ý.