- Tôi không hề nổi nóng. Tôi chỉ muốn tuyên bố với chị rằng, nếu chị
còn muốn làm việc với tôi thì chị bỏ cái lối đóng vai lãnh đạo ấy đi Vừa
đúng lúc đó cửa mở, bác lao công Phenesca nhìn vào phòng trịnh trọng nói:
- Chị Sophia Borisovna, có đồng chí trên quận uỷ đang chờ chị ở phòng
giáo viên... Vẫn là đồng chí hay đến đây đấy.
- Vâng, vâng... tôi đến ngay bây giờ! - Bà bí thư trả lời và nhìn bà hiệu
trưởng một cách thăm dò.
- Làm thế nào được, chị cứ đi đi... chúng tôi còn nói chuyện nói nhau
một lúc nữa. - Natalia Zakharovna trả lời.
Sophia Borisovna vội vàng nhét quyển sổ ghi chép vào cặp, không chào
ai cả, ra khỏi phòng. Constantin Sergheevich nhìn bà hiệu trưởng với vẻ tò
mò không cần giấu giếm.
- Không sao... Tôi rất mừng vì anh và chị ấy đã nói chuyện thẳng thắn
với nhau, - bà cười nói. - Sophia Borisovna thường thích dùng cái giọng kẻ
cả như vậy, nói thật với anh là tôi cố tình làm thinh, không can thiệp vào
câu chuyện của hai người. Nhưng nhẽ ra anh không nên nổi nóng như vậy...
- Chị ta lượm lặt đâu ra mà lắm lời bịa đặt vậy, làm tôi không tài nào giữ
được bình tĩnh, chị Natalia Zakharovna ạ. Không biết từ đâu ra thế?
- Sao anh lại phải ngạc nhiên? Anh là người mới đến, lại sắp đặt ở lớp
mình những “trật tự” khác mọi người; vì thế mà họ “cạo” cho anh một mẻ
đấy thôi, - bà hiệu trưởng giải thích nửa đùa nửa thật như vậy. Tôi cũng
chẳng giấu gì anh, chính phong cách giáo dục của anh cũng làm tôi chú ý
đấy. Tôi cũng muốn được hiểu một cách ngành ngọn cách giáo dục đó, như
người ta nói, mấu chốt của nó, hạt nhân của nó...
- Tôi là người theo học thuyết giáo dục của Macarenco, chị Natalia
Zakharovna ạ, - người thầy giáo trả lời một cách nghiêm túc. - Tôi cho rằng
Anton Xemionovich Macarenco dựa trên cơ sở triết học Mác-xít đã đặt nền
móng cho nền giáo dục học Xô Viết, và giúp chúng ta, những nhà giáo dục,
quét sạch rác rưởi cho nền giáo dục tư sản ra khỏi con đường của chúng ta
đi...