cáo Tamara vì đã vẽ nên bức biếm họa kia và khiển trách Nadia vì cái tội
làm việc khác trong giờ học tiếng Đức. Mọi việc đã, đang và sẽ xảy ra như
thế. Mọi người đã quen như vậy rồi và tất cả mọi vấn đề là ở chỗ thầy sẽ
dùng lời lẽ như thế nào, với giọng nói như thế nào, thầy sẽ lên lớp trong
thời gian bao lâu. Nếu là Zinaida Dmitrievna thì cô ấy sẽ bắt cả lớp ở lại
sau giờ học và sẽ bỏ ra gần một tiếng đồng hồ để thuyết về nghĩa vụ, danh
dự, về đạo đức cộng sản chủ nghĩa, kể độ vài ba tiểu sử của giáo viên đã
cống hiến đời mình cho các em học sinh, dẫn hàng loạt thí dụ trong đời
mình cho các em nghe. Không biết người thầy mới này sẽ xử sự ra sao đây?
- Tôi thấy rất vui sướng vì trong lớp học của tôi có một em học sinh có
tài như thế, - thầy nói một cách bình tĩnh, nhưng tất cả học sinh trong lớp
thì căng tai lên chờ đợi, lo lắng. - Bức biếm họa cho biết, em là một người
có đầu có nhận xét, biết để ý đến những đặc điểm tượng trưng nhất và thể
hiện lại bằng ngòi bút. Tôi có một đề nghị đối với em: tặng tôi bức biếm
họa này để làm kỷ niệm...
Mọi việc xẩy ra thật bất ngờ đến nỗi Tamara bỗng như không còn khả
năng nói nên lời, còn cả lớp ồn lên vì không hiểu được thầy giáo.
- Không... cần phải xé bức vẽ đó đi, thầy Constantin Sergheevich, -
Tamara nói, mặt đỏ như gấc vì xấu hổ.
- Nghĩa là em không tiếc bức vẽ? Vậy cứ hãy coi là chúng ta đã xé nó rồi
- thầy mỉm cười đề nghị - Em ngồi xuống!
Cất bức vẽ vào sổ điểm, thầy đến cạnh cửa sổ và bất giác thầy đưa mắt
nhìn lên bảng. Trên mặt tấm bảng đen phẳng lì lấp lánh những chữ viết li ti
bằng bút chì.
- Smirnova! Em có tẩy đó không? - thầy hỏi
- Thưa thầy, tẩy gì ạ?
- Tẩy bình thường vẫn dùng để tẩy bút chì ấy
- Có ạ.
- Em cầm tẩy và lên đây.