- Thế giữa họ có gì khác nhau ạ?
- Bố làm sao mà biết được khác nhau ở chỗ nào. Nếu ông viện sĩ đã nói
vậy, nghĩa là ông ấy có cơ sở khoa học.
- Ôi trời ơi! Bố thì bao giờ cũng nghĩ ra lắm chuyện đâu đâu ấy. - Cô gái
bực bội.
- Thế con lại bực tức gì đấy? Bỏ hay không bỏ... thì cô này bỏ, cô kia
không. Đối với con có quan hệ gì đâu?
- Bố nhầm rồi. Đây là vấn đề nguyên tắc. Thế phụ nữ có thể làm việc
bình đẳng với nam giới không?
- Vấn đề đó, con gái yêu của bố ơi, người ta đã giải quyết xong từ năm
1917, thế mà bây giờ các cô còn vung tay múa chân tranh cãi. Ai cấm cô?
Cứ làm việc đi, nếu cô muốn.
Câu trả lời làm Tamara tắc tị. “Thế đấy, - cô nghĩ. - Có bao giờ tranh
luận được với bố điều gì đâu. Bố nói một câu gì đó - Thế là nhận chìm
mình xuống nước”.
- Bố ạ, hay là con uống cùng bố chén trà vậy! - Cô nói một cách lơ đễnh.
- Nhẽ ra phải như thế từ nãy kia!
Tamara đến tủ búp-phê lấy một cái tách rót trà rồi ngồi xuống cạnh bố,
giơ tay ra vuốt lưng bố.
- Bố đổ mồ hôi rồi... lưng ướt hết. Bố ạ, chúng con có thầy giáo dạy văn
mới - Thật không còn mong gì hơn nữa! Bố biết không, con vẽ một bức
biếm họa thân thiện về ông ta, nhưng thầy hoàn toàn không giận gì cả. Thật
là một người đúng đắn.
- Đã gọi là thân thiện thì còn giận gì nữa?
- Giá là một cô giáo nào đó xem... Ôi... ôi... ôi! Sẽ làm rùng beng cả lên
cho mà xem! - Tamara uống mấy ngụm nước trà. - Nhưng bố thử nghe xem
hôm nay thầy Constantin Sergheevich nói gì với chúng con nhé.
- Thế ông Constantin Sergheevich là ai?
- Thầy giáo văn ở lớp chúng con ấy mà. Trí nhớ của bố tồi quá, bố chả
nhớ tên ai cả!... Hôm qua con vừa kể cho bố nghe về thầy ấy xong.