thấy, như Cathy nói, trong những lỗ hổng giữa cái ta định làm và cái ta thật
sự làm, hoặc giữa chuyện đã xảy ra và những gì ta kể cho người khác về
chuyện đã xảy ra.
Tuy nhiên, những câu chuyện này chính là những mảnh danh tính mà có lẽ
có tiềm năng dẫn đến sự thay đổi nhiều nhất. Về sau, ta sẽ nghe nói rằng
tính cách có thể thay đổi trong những năm tháng tuổi 20 như thế nào – và
nó thật sự có thể thay đổi. Nhưng nó không thể thay đổi nhanh chóng, hay
mạnh mẽ, như những câu chuyện ta kể về chính mình. Những câu chuyện
cuộc đời với chủ đề hủy hoại có thể bó buộc ta. Những câu chuyện cuộc đời
với niềm hân hoan có thể thay đổi ta. Do đó, một phần những gì tôi làm với
những khách hàng như Cathy là giúp họ kể những câu chuyện của chính
mình. Sau đó, chúng tôi sẽ thay đổi chúng.
“Những câu chuyện của chúng ta cần được biên tập và chỉnh sửa lại nhiều
lần,” tôi nói với Cathy. “Hơn bất kỳ ai, cô phải là người hiểu rõ điều đó.”
“Vâng. Đúng thế.”
“Hãy kể cho tôi nghe cô biết gì về việc biên tập những câu chuyện cho thiếu
nhi.”
“Ồ. Đó là phần quan trọng nhất. Khi ta viết một câu chuyện, sẽ có một số
phần là bản năng tốt trong đó, nhưng ta sẽ bị che mắt bởi cảm xúc của chính
mình tại thời điểm đó. Sau này khi nhìn lại câu chuyện đó, ta sẽ cảm thấy
khách quan hơn. Câu chuyện ta viết ra có thể có ý nghĩa đối với ta tại thời
điểm ta viết nó, nhưng cũng phải có ý nghĩa đối với tất cả những ai đọc nó.
Ta có thể nhận ra đâu là chỗ không hợp lý.”
“Đúng thế. Câu chuyện cô đang kể cho chính mình lúc này chỉ là bản nháp
đầu tiên còn lại từ thời thiếu niên. Tôi chẳng thấy nó có ý nghĩa gì cả.”
“Nó không có ý nghĩa gì,” Cathy nửa thừa nhận, nửa hỏi dò.