khác nhau tùy theo hoàn cảnh xã hội; và ngược lại: cái có nghĩa hay vô nghĩa
khiến phải xem xét toàn bộ xã hội này, vì qua xã hội, xuất hiện cái có nghĩa hay
vô nghĩa của cuộc sống trước đó. Muốn đánh giá xã hội chúng ta, cần đối chiếu
những giải pháp được nó lựa chọn với những giải pháp mà những tập thể khác
đã từng áp dụng qua không gian và thời gian. Sự đối chiếu này sẽ cho phép rút
ra những gì là tất yếu trong cuộc đời người già, có thể tránh bớt khó khăn cho
cuộc đời ấy trong chừng mực nào, với cái giá nào, và vì vậy, phần nào là trách
nhiệm đối với họ của chế độ họ sống trong đó.
Có thể hình dung mọi hoàn cảnh con người trong tính khách quan bên ngoài -
như nó diễn ra đối với người khác - và trong tính nội tại, khi chủ thể đảm nhận
hoàn cảnh ấy và vượt lên trên nó. Đối với người khác, người già là đối tượng
của một tri thức; đối với bản thân, người già có một kinh nghiệm sống về cuộc
đời. Trong phần đầu cuốn sách này, tôi sẽ vận dụng quan điểm thứ nhất. Tôi sẽ
xét xem sinh học, nhân chủng học, sử học, xã hội học đương đại dạy chúng ta
những gì về tuổi già. Trong phần hai, tôi sẽ cố gắng miêu tả cái cách người già
nội hiện (intérioriser) quan hệ của mình với cơ thể mình, với thời gian, với
người khác. Cả hai cuộc điều tra này sẽ không cho phép chúng ta xác định tuổi
già nói chung; trái lại, chúng ta sẽ nhận thấy nó mang vô số diện mạo, không
thể thay thế lẫn nhau. Trong quá trình lịch sử cũng như hiện nay, cuộc đấu tranh
giai cấp chỉ đạo cách thức mỗi con người đến với tuổi già. Sự khác biệt về cảnh
già giữa người này và người khác còn có những nguyên nhân khác; sức khỏe,
gia đình v.v... Nhưng sự đối lập giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột tạo nên hai
lớp người già, một lớp cực kỳ rộng lớn, còn lớp kia chỉ bao gồm một thiểu số
nhỏ bé. Mọi ý đồ bàn về tuổi già nói chung đều không thể chấp nhận vì nó nhằm
che lấp sự khác biệt ấy.
Một câu hỏi được đặt ra ngay tức thì. Tuổi già không phải là một sự kiện tĩnh,
mà là kết cục và sự kéo dài một quá trình. Quá trình này diễn ra thế nào? Nói
cách khác già đi là thế nào? Khái niệm này gắn liền với khái niệm đổi thay.
Nhưng cuộc sống của phôi, của trẻ sơ sinh, của trẻ em là một sự thay đổi liên
tục. Có nên từ đó kết luận cuộc đời chúng ta là một cái chết chậm rãi như một
vài người nêu lên không? Chắc chắn là không. Một nghịch biện như vậy phủ
nhận chân lý chủ yếu của cuộc sống; cuộc sống là một hệ thống không vững
chãi trong đó thế cân bằng thường xuyên mất đi và thường xuyên được lập lại:
tính trơ ì mới là đồng nghĩa của cái chết. Còn quy luật của cuộc sống, là đổi
thay. Một loại hình đổi thay nhất định đặc trưng cho tuổi già: đó là hiện tượng