nhân, đến phút cuối cùng, được giải thoát khỏi những sự ràng buộc, người ta
tước đoạt của họ mọi phương tiện sử dụng quyền tự do. Họ buộc phải sống lay
lắt trong cô đơn và phiền muộn, như một vật phế thải không hơn không kém. Khi
trong mười lăm hay hai mươi năm cuối đời, một con người chỉ còn là một vật
chẳng ai đoái hoài, thì đó là sự thất bại của nền văn minh chúng ta: sự thật hiển
nhiên ấy khiến chúng ta nghẹn ngào nếu chúng ta coi người già là những con
người từng có một cuộc sống con người phía sau họ, chứ không phải là những
xác chết dật dờ. Những ai tố cáo cái chế độ đọa đày vốn là chế độ chúng ta,
phải đưa điều điếm nhục ấy ra ánh sáng. Chính bằng cách tập trung nỗ lực của
mình vào thân phận những người xấu số nhất, người ta có thể làm lay chuyển
một xã hội. Để phá hủy hệ thống đẳng cấp, Gandhi tìm cách giải quyết thân
phận tầng lớp Tiện dân (parias); nhằm tiêu hủy gia đình phong kiến, nước
Trung Hoa cộng sản giải phóng phụ nữ. Đòi hỏi con người cứ phải là con người
ở lứa tuổi cuối cùng của họ bao hàm một sự đảo lộn triệt dể. Không thể thu
được kết quả ấy với một vài cải cách hạn hẹp không đụng chạm tới hệ thống:
chính nạn bóc lột người lao động, chính quá trình phân hủy xã hội và sự khốn
cùng của một nền văn hóa chỉ dành riêng cho tầng lớp quan lại, dẫn tới những
cảnh già nua phi-nhân văn ấy. Chúng chỉ ra rằng cần làm lại tất cả, từ đầu.
Chính vì vậy, vấn đề này bị nhấn chìm trong im lặng hết sức kỹ lưỡng; và chính
vì vậy, cần phá tan sự im lặng ấy: tôi mong đợi độc giả giúp đỡ tôi trong công
việc này.