quan niệm này ở một nhà phổ biến khoa học như Honorius Augustodunensis
cũng như ở thánh Thomas d’Aquin.
Ở thế kỷ XII, Othon de Frersing viết trong cuốn Sử biên niên của ông:
“Chúng ta chứng kiến thế giới suy tàn và hình như thốt ra tiếng thở dài cuối
cùng của tuổi già tận cùng”. Cũng vào thời kỳ này, các bức tiểu họa của Liber
Floridus
thể hiện thắng lợi của quan niệm này. Thậm chí Saint Norber nghĩ
rằng thế hệ ông sẽ chứng kiến sự cáo chung của thế giới.
Ở thế kỷ XIII, Hugues de Saint-Victor viết: “Sự cáo chung của thế giới đã
điểm và dòng chảy các sự kiện đã tới điểm tận cùng của vũ trụ”. Thế giới bị thu
nhỏ trong quá trình già đi, thậm chí con người ta cũng teo tóp lại; họ chỉ còn là
những đứa trẻ và những người lùn - theo lời Guiot de Povins vào cùng thời kỳ
này.
Quan niệm này được phát triển rộng rãi trong tập Carmina Burana: “Lớp trẻ
không còn muốn học tập gì nữa, khoa học đang suy thoái, cả thế giới đang làm
những việc điên rồ, người mù dẫn dắt những người mù khác... Tất cả mọi thứ
đều đi trệch hướng”. Dante đặt vào miệng tổ phụ của mình là Cacciaguida
những lời than vãn về sự sụp đổ của các thành phố và của các gia đình. Thế giới
thu nhỏ lại, tựa một tấm áo khác mà “Thời gian đang lượn quanh với chiếc kéo
của mình”. Rất ít người tìm thấy một chút lợi trong sự già nua này. Bernard de
Chartres nói: “Chúng ta là những chú lùn cưỡi lên vai những ông khổng lồ,
nhưng chúng ta thấy xa hơn họ”. Tinh thần lạc quan này không được người ta
đồng tình. Những gì thời Trung đại nhìn thấy ở xa không có gì đáng khích lệ:
chủ yếu là triều đại của Kẻ chống Giêxu (Anté-Christ). Được báo trước trong
Sách khải huyền, gương mặt này được xác định vào thế kỷ VIII bởi một tu sĩ
mang tên Pierre, rồi bởi Adson ở thế kỷ X, và vào thế kỷ XI bởi Albuin, người
du nhập vào phương Tây những lời tiên đoán của bà thầy bói ở Tibuya vào thế
kỷ IV. Sân khấu tôn giáo đã làm cho gương mặt ấy quen thuộc với mọi người.
Một gương mặt đối kháng xuất hiện: gương mặt “nhà vua chính trực”, một Chúa
cứu thế trên trần gian mở đầu một thời gian một nghìn năm hạnh phúc. Nhưng
tín ngưỡng này ít được phổ biến. Thời Trung đại đinh ninh do tội lỗi khôi
nguyên, nhân loại phải chịu một tai họa ngày một thêm nghiêm trọng theo thời
gian. Thấm nhuần tư tưởng chán nản này, những người lãnh đạo xã hội chỉ biết
cai trị từng ngày một mà không hình dung nổi một tương lai chính trị cụ thể nào.
Không một ai chờ đợi ở Lịch sử một sự cải thiện. Những niềm hy vọng của thời
Trung đại mang tính chất phi trần thế: cần thoát khỏi cuộc sống trần gian và tự