đô thị. Từ nay, quyền sở hữu dựa trên khế ước, chứ không còn trên sức mạnh vật
chất nữa. Người ta tích trữ hàng và tiền. Sự chuyển biến này làm biến đổi đời
sống người già trong các tầng lớp khá giả: họ có thể trở nên có thế lực nhờ tích
lũy của cải. Họ được quan tâm nhiều hơn. Hai dòng tư tưởng song song tồn tại
vào thời kỳ này: một dòng mang tính chất tôn giáo và tâm linh; và một truyền
thuyết bi quan và duy vật. Trong Bữa tiệc (Le Festin), Dante hình dung tuổi già
theo hướng thứ nhất trên đây. Ông so sánh cuộc sống con người với một hình
cung từ mặt đất đi lên bầu trời tới một điểm tận cùng và từ đấy trở lại xuống đất.
Điểm đỉnh là ở tuổi 35. Rồi con người suy yếu từ từ. Từ 45 đến 70 tuổi, là thời
kỳ tuổi già. Phần cuối đời sẽ được thanh thản nếu biết khôn ngoan. Dante so
sánh người vĩ đại với một nhà hàng hải từ từ hạ cánh buồm khi trông thấy đất
liền và từ từ cập bến. Vì chân lý là ở thế giới bên kia nên con người phải thanh
thản chấp nhận sự kết thúc cuộc đời vốn chỉ là một cuộc du lịch ngắn ngày.
Theo luồng suy nghĩ của các giáo sĩ và những tâm hồn kính tín, cập bến một
cách than thản phải là mối quan tâm chủ yếu của người già; lớp tuổi cuối cùng,
chủ yếu phải được coi là thời gian người ta chuẩn bị cho cái chết. Gerson viết
một “lời khuyên nhủ ngắn cho một ông già là ông nên chuẩn bị cho cái chết như
thế nào”. Tác giả khuyên ông già - chắc hẳn vì ông bị mù - cho một người ăn
cơm trọ, người này sẽ đọc cho ông nghe những cuốn sách nói về sự kính tín để
khỏi nghĩ tới những điều trần thế. Những công trình tương tự được công bố ở
khắp châu Âu và xuất hiện rất nhiều ở Đức từ năm 1400. Ở Đức, người ta cũng
khuyên người già về cách thức lập di chúc: những người có của cải nên di tặng
một phần cho tu viện và dưỡng đường.
Vì vậy, đối với một tín đồ Cơ đốc giáo ngoan đạo, tuổi già là lúc bảo đảm sự
giải thoát cho mình. Nhưng lớp tuổi này không được đặc biệt coi trọng. Và thế
kỷ XIV là một thế kỷ bi thảm: chiến tranh, dịch hạch, nạn đói, nhân mãn. Giữa
những thử thách nghiêm trọng, phương Tây đặt toàn bộ niềm tin vào Chúa Cứu
thế. Từ nay, Chúa không còn xuất hiện như là Nhà vua của các nhà vua. Chúa
được ca ngợi dưới gương mặt Chúa Cứu thế. Người ta đề cao Lễ ban thánh thể
(Eucharistie), tôn thờ thánh tích của Chúa Giêxu lâm nạn. Việc sản xuất cây
thánh giá phát triển rất mạnh. Người ta thường vẽ và khắc chạm hình ảnh Chúa
chờ đợi khổ hình trong cô đơn và kinh hoàng. Đồng thời lòng sùng kính đối với
Đức Mẹ đồng trinh cũng phát triển. Vào đầu thế kỷ XV, người ta phát hiện lại Lễ
truyền tin (l’Annoncitation): lễ này khêu gợi vô số tranh, ảnh, với đề tài tuổi thơ
của Giêxu, và Thánh tộc (la Sainte Famille) mà cho tới lúc bấy giờ người ta