cuộc mưu phản chống Justinien, lúc ấy đã 90 tuổi; ông bị giam giữ trong tòa lâu
đài của mình và bị tịch thu tài sản. Vụ án được xét xử năm 563. Theo
Théophanas, người sao chép lại, vào cuối thế kỷ XIII, trong tập Sử biên niên
(Chronographie) của ông, các tư liệu đương thời, thì ông được xác nhận là vô
tội; ông được trả lại tự do và tài sản. Về sau, vào thế kỷ XI, tác giả vô danh tập
Cổ vật thành Constatinople (Antiquités de Constantinople) - một tác phẩm đầy
rẫy những sự sai lầm - nói qua là Bélisaire bị hỏng cả hai mắt và phải đi hành
khất. Vào thế kỷ XIII, Tretzès, nhà ngữ pháp học sống ở Constantinople, và nổi
tiếng uyên thâm, chấp nhận lối thuật lại này, trong lúc thừa nhận nó bị nhiều nhà
sử học phản bác. Ông miêu tả Bélisaire già nua và mù lòa, hành khất trước cửa
lâu đài: “Hãy bố thí cho Bélisaire”. Nỗi thống khổ mù lòa là chuyện thông
thường ở Bizance, nhưng không có gì chứng minh rằng Bélisaire từng phải chịu
đựng cảnh này. Không hiểu vì sao lại có hình ảnh ấy.
Trước hết, chúng ta có thể tự hỏi nó được phổ biến ra sao, tới mức tất cả
những nhà sưu tập thời Phục hưng về sau đều sử dụng. Không nên quên rằng đó
là số phận của mọi truyền thuyết ở thời Trung đại; mặc dù giao thông khó khăn,
dân cư vẫn chuyển dịch mạnh mẽ: thương nhân và những người hành hương
truyền đi những câu chuyện thật hay giả khắp thế giới. Các nghệ sĩ ca múa lượm
lặt những mẫu chuyện ấy. Mặt khác, họ lại có quan hệ thường xuyên với giới
tăng lữ; không nên đối lập tri thức khoa học với truyền thuyết dân gian: giữa hai
bên, có hiện tượng thẩm thấu. Cuối cùng, ở thế kỷ XIII và XIV, nhiều người biết
đọc. Dù là có thật hay là huyền thoại, mọi sự kiện đáng chú ý đều được người ta
biết đến nhanh chóng và rộng rãi.
Một vấn đề thú vị hơn, là vấn đề vì sao truyền thuyết này thu được thắng lợi.
Chắc hẳn lý do là thời Trung đại sốt sắng đón nhận mọi hình ảnh bi thảm, trong
lúc Bélisaire thật sự tiêu biểu cho những nỗi khổ đau của tuổi già: tàn tật, phụ
thuộc, bị động và nhất là suy sụp do thái độ độc ác và lòng vô ơn bạc nghĩa của
người ta dồn ông vào. Vả lại, về phương diện tôn giáo, biến cố bi thảm này có
tác dụng giáo dục: một cá nhân lên tới tột đỉnh vinh quang và rơi xuống vực
thẳm đê hèn, minh họa cho quan niệm “Sắc sắc không không”: trên trái đất này,
không có gì là vững chắc cả; con người chỉ có thể đặt niềm tin vào Thượng đế.
Thời Trung đại cũng như Cổ đại, có một mối quan hệ huyền bí giữa tuổi già
và mù lòa. Mù lòa tượng trưng cho cảnh lưu đày những người cao tuổi phải chịu
vì cuộc đời quá dài của mình: họ bị tách khỏi phần còn lại của loài người; cảnh
cô đơn ấy nâng cao họ lên và làm họ trở nên sáng suốt về mặt tinh thần. Mặt