như nó rình rập nàng thiếu phụ nhan sắc mà Villon tiên đoán những nỗi niềm
luyến tiếc; nó là số phận của chúng ta.
***
Ở thế kỷ XVI, trong lúc nền văn minh ở nông thôn vẫn bảo thủ và giậm chân
tại chỗ, thì chủ nghĩa tư bản đầu tiên tiếp tục phát triển ở các đô thị Italia và xuất
hiện ở những thành phố khác: hãng buôn, xí nghiệp công nghiệp và hoạt động
tài chính. Cảnh phồn vinh mới này cho phép phát triển mạnh mẽ văn hóa trong
khoa học, văn học, nghệ thuật, kỹ thuật, trong đó thể hiện nhiều trào lưu khác
nhau. Thời kỳ Phục hưng kéo dài các truyền thống của thời Trung đại. Nó tiếp
tục tồn tại trong nỗi ám ảnh về kẻ Phản Chúa (Antéchrist) và về lời Phán xét
cuối cùng
. Tuy nhiên, nó tìm cách phát động một quan niệm mới và hài hòa
về con người. Chủ nghĩa nhân văn, phục hồi lại thời Cổ đại, tìm cách gắn liền nó
một cách hỗn hợp với sách Phúc âm; người ta muốn đưa tình yêu cuộc sống và
lòng ngưỡng mộ sắc đẹp vào đạo Cơ đốc. Đó là nhiệm vụ đặc biệt Érasme tự đặt
cho mình; ông đề xướng một “bài học về đạo lý và phép lịch sự”.
Ông dành hẳn một bài viết về người già, miêu tả một ông già kiểu mẫu: ở tuổi
66, ông cụ không có nếp nhăn, cũng không có tóc bạc, không đeo kính, và sắc
da mịn màng; những người khác, vì lối sống trụy lạc hay phiêu lưu, trông tưởng
chừng là thân phụ ông cụ. Ở Italia, Cornaro, một nhà quý tộc patrixi, lấy lại chủ
đề này: một cuộc sống đạo đức dẫn tới một tuổi già hạnh phúc. Ông đưa ra tấm
gương bản thân trong một “tiểu luận về cuộc sống điều độ và mực thước”. Thực
ra, trong hai công trình này, vấn đề chủ yếu là ca ngợi đạo đức: người ta cho
rằng phần thưởng của nó là sức khỏe và tinh thần thanh thản trong tuổi già.
Còn về bản thân tuổi già, thì văn học ở thời kỳ này cũng không có gì ưu ái
hơn so với các thế kỷ trước. Thời Trung đại khinh miệt cảnh con người ta tàn tạ,
cho cảnh ấy là đặc biệt kinh hãi ở người cao tuổi. Thời kỳ Phục hưng ca ngợi vẻ
đẹp hình thể: hình thể phái đẹp được đưa lên tận mây xanh. Vì vậy, cái xấu xí
của người già lại càng thêm đáng ghét. Chưa bao giờ cái xấu xí của người đàn
bà già lại bị lên án một cách độc ác đến nhường ấy. Thói khinh ghét phụ nữ thời
Trung đại tiếp tục tồn tại ở thế kỷ XVI và ảnh hưởng của thời Cổ đại, nhất là của
Horace, chiếm ưu thế trong đó. Tình hình lạm dụng lối bắt chước thơ của
Pétrarque kéo theo, bằng phản ứng, một bộ phận thơ ca châm biếm và khôi hài.
Tất cả những lý do này liên kết với nhau để giải thích tính chất và sự xuất hiện
dai dẳng của chủ đề người đàn bà già.