vật nhập nhằng và khả ố, oán trách họ khi thì đóng vai trò người môi giới, khi
thì cản trở những cuộc tình ái của mình.
Người ta công kích đàn bà già chủ yếu với tư cách gái đĩ trước kia. Nhơ nhớp
nếu vẫn còn đeo đẳng chuyện tình ái, họ bị lên án là đạo đức giả nếu quay sang
sùng đạo. Du Bellay cũng có một bài thơ hiện thực chủ nghĩa và tàn ác về một
gái giang hồ La Mã thuở trước, để người này kể lại cuộc đời, cảnh tàn phai nhan
sắc, nghèo đói, bệnh tật, nhưng lại nhẫn tâm gọi bà ta là:
“Phù thủy và ma cô
Sùng đạo lối đạo đức giả”.
Phải chăng thái độ khăng khăng kỳ thị này của các nhà thơ đối với gái giang
hồ ngày trước có nguồn gốc từ một nỗi oán giận về tình dục? Có thể giả định
như vậy. Dẫu sao thì cũng cần ghi nhận là dù đàn ông hay đàn bà, người đã cao
tuổi mà si tình bao giờ cũng khiến người ta tởm lợm. Nhưng đối với đàn ông,
văn học tấn công những kẻ giàu cố mua lạc thú bằng tiền; và trái lại, phê phán
đàn bà ở lớp hạ lưu nhất, những kẻ bán thể xác mình. Chúng ta dễ hiểu mối ác
cảm đối với những gã đàn ông giàu có trên đây; còn đối với gái làng chơi già thì
vì những lý do phức tạp hơn, chắc hẳn vì một sự tước đoạt nào đó.
Cũng như ở thời Cổ đại và trong phônclo, phụ nữ già thường bị đồng hóa với
một mụ phù thủy: Rabelais miêu tả một mụ đồng dưới dạng một bà già “xấu xí,
ăn thiếu, mặc rách, răng rụng, mắt kèm nhèm, miệng nhỏ dãi, người cúi gập, vẻ
lừ đừ”.
Ở thế kỷ XVI, hiếm nghe thấy một tiếng chuông khác. Tuy nhiên, cùng với
một bài thơ trong đó Pierre Le Loyer giải thích đáng xấu hổ biết bao khi yêu một
người đàn bà già, ông có một bài thơ khác miêu tả một cách âu yếm tuổi già nữ
giới.
“Tuổi già khác nào một quả táo
Vừa trong sạch vừa ngọt ngào...”
Một quả táo càng có nhiều nếp nhăn càng hoàn hảo: người đàn bà già cũng
vậy. Vấn đề là cần phân biệt người phụ nữ cao tuổi đáng kính trọng với đám đàn
bà già có lối sống trụy lạc hay những bà già nghèo đói. Chỉ có một tác giả mạnh
mẽ bênh vực những người phụ nữ cao tuổi là: Brantome trong cuốn Cuộc đời
những người phụ nữ tình tứ (Vie des dames galantes). Ông cho họ còn hưởng lạc