Các nhà văn khai thác chủ đề này chịu ảnh hưởng sâu xa của vở kịch trong đó
Rojas, năm 1492, mô tả xã hội Tây Ban Nha đương thời. Vở Nữ tu sĩ dòng
Célestine (La Célestine). Lần đầu tiên một bà già được xây dựng thành nhân vật
chính; một cách kinh điển, đó là một người đàn bà mối lái, nhưng tầm vóc khác
hẳn những người đàn bà mối lái được đưa vào kịch cho tới lúc bấy giờ. Vốn là
gái đĩ, và vẫn làm một mụ Tú bà vì sở thích, vụ lợi, xảo trá, tà dâm, mụ cũng
còn có phần chút ít phù thủy và chính mụ là kẻ dẫn cuộc. Mụ thâu tóm mọi thói
hư tật xấu người ta gán cho phụ nữ già từ thời Cổ đại, và mặc dù mọi mánh khóe
ranh ma, mụ vẫn bị trừng phạt một cách nghiêm khắc. Sân khấu Pháp tìm thấy
lại nguồn cảm hứng này, nhưng kém phần rực rỡ: Jodelle, Odet de Turnèbe,
Larivey mô tả những mụ mối lái già, những người đàn bà già lẳng lơ.
Érasme có thành kiến rõ rệt đối với phụ nữ già. Tất nhiên nhà đạo đức học
này bài xích những người đàn bà đã già mà vẫn trơ trẽn nghĩ tới chuyện tình ái.
Nhưng lối miêu tả độc ác một cách vô cớ của một nhà nhân văn chủ nghĩa khiến
người ta ngạc nhiên. Ông nói: “Những người đàn bà lụ khụ kia, những cái xác
chết lưu động ấy, những bộ xương thối hoắc nọ phả ra khắp nơi một mùi tởm
lợm nhưng lại luôn luôn gào lên: Không có gì êm đềm bằng cuộc sống... Khi thì
họ phô ra những cặp vú nhõng nhẽo và chán ngắt, khi lại tìm cách đánh thức
cường lực của người tình bằng những tiếng kêu the thé, run rẩy”. Cần chú ý tới
một đề tài mới giữa cái mớ sáo mòn ấy là: sự tương phản giữa hình hài xấu xí
của người đàn bà già đối với người khác, và niềm lạc thú thích sống của họ
.
Érasme chế giễu họ về hiện tượng ấy trong lúc người ta có thói quen ca ngợi
những con người mà tuổi tác không làm mất đi tình yêu cuộc sống.
Người ta dễ dàng làm nhục người đàn bà già bằng cách so sánh họ với một cô
gái trẻ. D’Aubigné so sánh một bà già khủng khiếp “có bộ tóc giả xấu xí” với
người yêu của mình có mái tóc mượt mà.
Vì sao Du Bellay lấy lại đề tài này, sau khi vừa xuất bản tập thơ Quả ôliu
(L’Olive) ca ngợi phụ nữ và tình yêu, cảm hứng bắt nguồn từ Pétrarque và rất
được mến mộ? Lý do đầu tiên thuộc lĩnh vực văn học; ông khó chịu về thuyết
Pétrarque mà bản thân mình theo đuổi, và thịnh hành thời ấy ở Pháp: về sau, ông
có tình cảm trái lại. Ở Italia, nơi ông từng có lúc trú ngụ, chắc hẳn ông có đọc
những lời thóa mạ của các nhà thơ nước này đối với các bà vú già và chịu ảnh
hưởng của họ. Phải chăng ông phàn nàn về một người trong số họ vì đã không
giúp mình trong những buổi hẹn hò tình ái? Các nhà thơ cho vú già là một nhân