nhường ấy. Lão cướp đoạt của người chồng là Bilora cô vợ trẻ bằng lòng chung
sống với lão do vụ lợi, vì lão cực kỳ giàu có. Nhưng ả ta than thở: “Lão gần như
bệnh tật. Suốt đêm, lão ho sù sụ. Không bao giờ lão ngủ; luôn luôn tìm cách
quấn lấy em, hôn hít em... - Chắc hẳn hơi thở lão thối hoắc - Bilora đáp - Lão
phát ra cái chết chóc cách xa đến ngàn dặm, và cứt đái đầy người nên phải cho
ra từ cửa miệng, phải thế không nào!” Cuối cùng, Bilora giành lại vợ sau khi nện
cho lão già một trận ra trò, đúng theo truyền thống hài kịch.
Trong vở Piovana, Ruzzante để cho sự ghê tởm đối với tuổi già được thốt ra
từ miệng ông già Tura: “Tuổi trẻ giống như một bồn hoa tươi tốt mọi loài chim
đến đậu để líu lo; còn tuổi già tựa một con chó gầy bị đàn ruồi đến bâu kín và
giày vò đôi tai”.
“Tất cả những gì đụng tới tuổi già đều dễ phải hứng chịu bất hạnh hơn... Tuổi
già thực ra là một cái ao tập trung mọi thứ nước nhơ bẩn và không có lối thoát
nào khác ngoài cái chết. Muốn mong điều ác cho một ai đó chăng? Thì hẵng nói:
mong cho nhà ngươi trở thành già lão”.
Vì sao thế kỷ XVI tấn công người già một cách kịch liệt như vậy? Người cha
không hề nắm được quyền lực của người chủ gia đình (pater familias) La Mã.
Vì vậy, người bị chế giễu không phải là ông ta, mà là ông già giàu có muốn là
tình địch của thanh niên. Vào thời kỳ này cũng như ở những thời kỳ trước, văn
học không đụng tới người già thuộc những tầng lớp dưới. Ngoài ra, lại phải chú
ý là tầng lớp quý tộc, tầng lớp patrixi cũng không bị công kích: người ta cho
quyền lực, của cải của họ là do thần thánh ban phát. Người ta không phủ nhận
trật tự xã hội đã an bài. Kẻ bị người ta oán giận, là người mới giàu có, là kẻ
trưởng giả đạt được thành tựu cá nhân. Nếu công việc làm ăn phát đạt, thì trong
những năm cuối cùng, người đó có những tài sản đồ sộ: sự chiếm đoạt ấy là một
nỗi bất công đối với người đã trưởng thành phải lao động để sống sót và đối với
lớp trẻ thường túng thiếu. Người đó bị người ta ganh ghét, thù hận; người ta cho
họ thành đạt là do biển lận. Sự công phẫn trở nên khủng khiếp nếu người già
dùng vàng bạc để mua những cô gái trẻ: vì thanh niên cảm thấy bị tước đoạt về
mặt tình dục. Người ta trả thù họ, tìm cách làm họ “chán ngấy khuyết tật” của
mình bằng cách chế giễu họ một cách tàn ác qua hình hài họ trong bức biếm
họa: các tác giả và công chúng đồng lõa chống lại họ. Do vậy, người ta hiểu vì
sao có vô số hình ảnh hiện thân Pantalon và thành tựu của chúng.
Bên cạnh những tác phẩm thể hiện người già - đàn ông cũng như đàn bà - như
những thứ đồ vật, vẫn có một số ít công trình hội nhập họ với cuộc sống con