Và do sự tàn ác của những người con gái của mình, Lear phải đi lang thang,
giống như OEdipe nay đây mai đó, giữa một thiên nhiên thù địch: người già là
một con người bị chia ly, bị lưu đày. Đầu óc rối loạn, sau khi mất hết tất cả, Lear
là hiện thân của cảnh bơ vơ bi thảm của con người. Vào đầu vở kịch, ông ta
giống như tất cả các nhân vật của Shakespeare bị một dục vọng dai dẳng - tham
vọng, ganh tị, hận thù - đẩy tới những quyết định điên cuồng và tai hại. Tác giả
miêu tả ông ta từ bề ngoài cũng với thái độ nghiêm khắc như đối với Macbeth
hay Othello, nhưng khi cảnh trơ trụi và rối loạn khủng khiếp cho Lear thấy sự
thật về hoàn cảnh của mình, thì Shakespeare nói lên lời nói của nhân vật bằng
chính cửa miệng của ông ta: “Phải chăng con người chỉ là thế? Con người khi
không trang sức thì không có gì hơn một con vật trần trụi tội nghiệp như nhà
ngươi. Thôi đi! Đả đảo những thứ vay mượn! Thôi đi! hãy cởi bỏ hết ra tại đây!”
- Lear vừa la hét vừa xé tan quần áo. Ông ta muốn tiêu diệt thứ trật tự cũ che
giấu hết tính người của mình vì khiến con người trở thành nô lệ của cải và danh
vọng: ông ta hé thấy một trật tự mới, trong đó con người sẽ xuất phát trở lại từ
con số không, trong cái trần trụi của tuổi thơ. Chỉ có điều là đã quá muộn, ông ta
chìm đắm trong một cơn điên dại trong đó thỉnh thoảng lóe lên những tia sáng
chân lý: những sự phát hiện làm ông ta choáng ngợp ấy không thể giúp ông ta gì
hết; chúng nâng ông lên trên bản thân mình: ông không còn thì giờ để thích ứng
cuộc đời mình với chúng nữa. Thời Cổ đại và thời Trung đại khoác cho người
điên một tính chất thiêng liêng và một thứ thiên nhân (voyance). Tuổi già
thường gần như là điên dại nên có khi ở lớp tuổi ấy hai hình ảnh trái ngược nhau
dung hòa với nhau: nhà hiền triết đáng kính và người điên già nua. Lear là như
vậy. Lúc ông đạt tới cái cao siêu thì cũng là lúc ông tự đổi khác. Rốt cuộc, ông
trở lại sáng suốt và Cordélia được trả lại cho ông: nhưng chỉ là xác đứa con gái
ông ôm trong vòng tay. Và bản thân ông cũng không còn con đường thoát nào
khác ngoài cái chết. Kott
có lý khi so sánh tấn bi kịch này với Mãn cuộc (Fin
de partie). Đó là tấn thảm kịch của tuổi già khi nó phát hiện cho con người cái
vô nghĩa của niềm đam mê vô bổ của mình. Nếu kết cục cuộc đời là sự bất lực
lầm lạc ấy, thì toàn bộ cuộc sống lộ ra dưới ánh sáng của nó như một cuộc phiêu
lưu khốn khổ.
Người ta thường băn khoăn vì lý do gì Shakespeare viết Vua Lear, tức là cho
con người hiện thân trong một ông già. Phải chăng ông xúc cảm trước số phận bi
thảm của tuổi già ở các thành phố và nông thôn nước Anh? Khi hệ thống trang
viên (manoir) tan vỡ dưới triều đại Tudor và nạn thất nghiệp tàn phá các đô thị,