TUỔI GIÀ - TẬP 1 - Trang 141

thì nạn hành khất hoành hành, mặc dù bị cấm đoán - trừ dưới thời Éđouard VI -.
Có thể nỗi khốn khổ của những người già lang thang - bị tước đoạt, với hai bàn
tay trắng và ngơ ngác ấy gợi cho ông nhân vật nhà vua già. Nhưng cũng cần lưu
ý là nhân vật của Shakespeare không phải là một con người theo đuổi tích cực
những mục đích mang lại một ý nghĩa cho cuộc sống của mình - như nhân vật
của Corneille hay của Racine. Nhân vật ấy bị thúc đẩy bởi những dục vọng mù
quáng biến cuộc đời hắn thành một “cuộc độc thoại ồn ã và giận dữ do một
thằng ngốc kể lại”. Cái phi lý ấy được bộc lộ một cách đặc biệt sáng tỏ, nếu
chúng ta áp dụng cho nhân loại quan điểm của ông già, đoạn tuyệt với tương lai,
rơi vào tình trạng thụ động đơn thuần của con người mình. Shakespeare miêu tả
con người bị định mệnh của tuổi tác đè bẹp sau khi con người ấy làm nô lệ cho
tham vọng, lòng ghen ghét và hận thù. Cá nhân, khi đã sa vào những sự quyến
rũ, thì không muốn thừa nhận mặt tối tăm của cuộc sống hai chiều của chúng ta:
trong những vở kịch lớn của Shakespeare, Vua Lear nhìn chung ít được ngưỡng
mộ hơn cả và cũng khó hiểu hơn cả.

***

Ở thế kỷ XVII, lớp trẻ vẫn thực sự nắm quyền. Trong số các nhà vua, chỉ có

một trường hợp ngoại lệ là Louis XIV, tuy đã già và bị bà de Maintenon cũng đã
già thao túng, vẫn dự một phần tích cực vào công việc cai trị. Từ sau Hội nghị
giám mục toàn thế giới ở Trente (Italia), nói chung, các giáo hoàng đều là người
già. Giáo hội trở nên ổn định; chống lại các lực lượng phi - tập trung hóa, từ nay,
Tòa thánh đồng nhất làm một với Giáo hội. Tòa thánh mở rộng ảnh hưởng nhờ
các dòng tôn giáo, đặc biệt là các giáo sĩ dòng Tên (Jésuites), các nhà thần học
và một mạng lưới các sứ thần Tòa thánh. Cuộc Phản - Cải cách (Contre -
Réforme) tạo một uy thế lớn cho giáo hoàng và người ta đòi hỏi ở họ những tập
tục khắt khe: tuổi tác góp phần làm cho họ mang tính cách thiêng liêng và người
ta tin tưởng tuổi tác sẽ giúp họ thực hành cuộc sống đạo đức. Người ta cũng tin
vào tính chất bảo thủ của người già trong lúc có thể e ngại những sáng kiến của
một giáo hoàng trẻ tuổi ở tuổi 40. Còn nếu một giáo hoàng được bầu ở tuổi 70
hay 75 thì người ta hy vọng - đôi khi sai lầm - trước sau ông ta vẫn giữ được
tính cách nhân vật họ đã lựa chọn và không đi trệch con đường đã được vạch ra.
Trong số mười hai giáo hoàng lần lượt thay thế nhau sau Hội nghị Trente, hai vị
được bầu ở tuổi 53 và 55, ba ở tuổi 60, hai ở tuổi 64, 4 ở tuổi 70, một ở tuổi 77.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.