Fontenelle - chính Corneille tự thể hiện bản thân mình. Thống chế de Gramont
ca ngợi nhà thơ: chưa bao giờ người ta đưa lên sân khấu một người tình dưới
dạng một ông già; ông hài lòng Corneille đã làm điều đó, và nếu quả hình ảnh ấy
dùng làm khuôn mẫu cho nhà thơ, thì ông vui sướng vì điều đó. Corneille có thái
độ khoan dung đối với người già vì quan niệm lạc quan của ông về xã hội: là
người phản đối giai cấp tư sản, mặc dầu nguồn gốc của mình, ông ca ngợi sự
liên minh - mà ông ước mong bền vững - giữa Nhà nước và giai cấp quý tộc
.
Chúng ta bắt gặp một quan điểm tương tự ở Saint - Évremont, người ca ngợi
và đồng tình với nhiều ý kiến của Corneille. Sống lưu đày ở Luân Đôn thời cuối
đời, sau một cuộc công kích kịch liệt Mazarin, ông sống một tuổi già tĩnh lặng,
đọc và viết sách, và nhất là vui thú đàm đạo mà ông coi trọng hơn hết mọi thứ
khác. Là môn đệ của Montaigne, ông cũng không tin là tuổi già mang tới sự
khôn ngoan: “Tôi đã mất hết mọi ý thức về sự trụy lạc mà không biết sự thay đổi
ấy là do tình trạng yếu đuối của một cơ thể ủ rũ hay do tính chất điều độ của một
trạng thái tinh thần trở nên khôn ngoan hơn trước kia. Ở độ tuổi của tôi hiện nay,
khó có thể biết những đam mê mình không còn cảm nhận nữa đã bị dập tắt hay
chỉ mới bị chế ngự”. Ông từng luôn luôn, cùng với Épicure, cho rằng hạnh phúc
của người ta, chủ yếu là ở chỗ không khổ sở: vì mạnh khỏe nên ông hưởng thụ
và bằng lòng với sự thanh thản này. Nhưng ông vẫn nghĩ là tuổi tác có những
nỗi buồn của nó. Viết thư cho Ninon de Lanclos - người trao đổi thư tín trìu mến
với ông trong một thời kỳ dài -, ông bảo không bao giờ còn hy vọng gặp lại bà
nữa và đau buồn vì thế: “Điều tôi thấy đáng giận nhất ở lớp tuổi mình, là không
còn hy vọng, niềm hy vọng vốn là niềm đam mê êm đềm nhất và góp phần nhiều
nhất làm chúng ta sống vui vẻ hơn”. Tình bạn đối với ông bao giờ cũng rất đáng
quý và ông không hề phân biệt nó với tình yêu: theo ông, tình yêu phải được
điều chỉnh bằng trí tuệ, nghĩa là phải dựa trên cơ sở quý mến nhau; lúc đó, nó
không còn là một niềm đam mê nữa và không gây đau khổ. Đó là một tình cảm
có thể làm người ta kiêu hãnh, kể cả lúc tuổi đã cao. Ông khẳng định một ông
già có quyền yêu, với điều kiện, như Martian, đừng đòi hỏi phải được đền đáp.
Ở tuổi 80, ông yêu tha thiết nữ công tước de Mazarin vốn là một người bạn tuyệt
vời đối với ông. Khi bà qua đời, ông say mê nữ hầu tước de La Perrine cũng một
cách kín đáo như vậy. Ông viết; “Bạn kinh ngạc một cách sai lầm là người già
vẫn còn yêu, vì cái lố bịch không phải là để người ta đụng tới mình, mà là nghĩ
một cách ngu xuẩn rằng mình vẫn có thể làm người khác thích thú... Niềm vui
lớn nhất còn lại của người già, là sống; và không có gì bảo đảm cho cuộc sống