sáng tạo ra để thay thế khái niệm từ thiện của tôn giáo bằng một khái niệm thế
tục. Cả một bộ phận văn học được dành cho vấn đề hành khất. Báo chí mở
những chuyên mục nêu những tấm gương làm việc thiện, những “nét về tinh
thần nhân đạo”. Phụ nữ đi quyên góp và phân phối các khoản cứu trợ. S.
Mercier miêu tả họ đi nâng đỡ nỗi khổ đau của những “người già tám mươi,
người mù bẩm sinh, phụ nữ đang lâm bồn, v.v.”. Năm 1786, Hội từ thiện vui
mừng đã cứu trợ được hơn 814 người bất hạnh.
Thực ra, thực hiện lòng thương người, chủ yếu là cách đảm bảo hạnh phúc cá
nhân của mình. Làm cho người ta sung sướng để mình được sung sướng là một
chủ đề được nhắc đi nhắc lại một cách vô tận. Đảm bảo hạnh phúc của mình là
một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhà tư sản: họ cho là có thể có
hạnh phúc nhờ đức độ, nhờ vun đắp quan hệ gia đình và bè bạn. Hạnh phúc, chủ
yếu được quan niệm như một sự nghỉ ngơi. Phải biết sợ những sự thái quá và chỉ
nên có những niềm say mê êm đềm. Nói như vậy để muốn nói rằng tuổi già
được quan niệm là một lớp tuổi hạnh phúc và thậm chí mẫu mực: người già
được giải thoát khỏi những niềm đam mê dữ dội, sống thanh thản, khôn ngoan.
Sự thiếu vắng dục vọng có giá trị hơn việc hưởng thụ của cải. Một cuộc sống hài
hòa sẽ được kết thúc trong thanh thản và khoan khoái về tâm hồn.
Đó là điều Buffon khẳng định cùng với những điều khác: “Mỗi ngày, khi ngủ
dậy mạnh khỏe, tôi không được hưởng thụ ngày hôm ấy trọn vẹn, đầy đủ như sự
hưởng thụ của bạn hay sao? Nếu các động tác, ham muốn, ước vọng của tôi chỉ
phù hợp với sự giục giã của thiên nhiên đúng mực không thôi, thì tôi không thận
trọng như bạn và sung sướng hơn bạn hay sao? Và cái nhìn về quá khứ khiến
những người già điên dại luyến tiếc, trái lại không tạo cho tôi những niềm vui
thích trong ký ức, những bức tranh thú vị, những hình ảnh quý giá có giá trị hơn
những mục đích lạc thú của bạn hay sao?”.
Loại suy nghĩ này khiến d’Alembert hoài nghi, ông viết: “Người ta ca ngợi
tình bạn và tuổi già: người ta không cần làm như vậy đối với tuổi trẻ và tình
yêu”. Diderot thì nhận xét: “Ngươi ta tôn vinh, nhưng không yêu quý tuổi già”.
Tuy nhiên, trong sáng tác phẩm của ông, có những người già dễ thương, bắt đầu
là thân phụ ông. Công chúng nhiệt liệt hoan nghênh cuốn Cuộc đời thân phụ tôi
của Rétif de La Bretonne. Miêu tả một cách thú vị “ông già đáng kính”, ông ca
ngợi đức hạnh và những cảnh êm đềm trong cuộc sống gia đình, vào lúc gia đình
bắt đầu tan rã, mặc dù nhiều người Pháp vẫn luyến tiếc nó. Ông cũng miêu tả
những nét quyến rũ của cuộc sống thôn dã mà lúc này giai cấp tư sản tìm thấy