Ba hiện tượng có quan hệ chặt chẽ với nhau xảy ra khắp nơi theo sự tăng
trưởng dân số: cách mạng công nghiệp, phong trào di cư từ nông thôn ra thành
thị, sự ra đời và phát triển một giai cấp mới, giai cấp vô sản.
Ở Anh, tình trạng rời bỏ nông thôn bắt đầu xảy ra với hiện tượng rào đất lại
(enclosure), khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh nghèo khổ. Vào đầu thế kỷ XIX,
các đạo luật về cứu tế xã hội có tác dụng ngược lại là hạ thấp thu nhập của nông
dân khiến họ phải rời bỏ nông thôn. Năm 1846, khi đạo luật về mậu dịch được
thông qua, nước Anh công nghiệp và thương mại vĩnh viễn chiến thắng nước
Anh nông nghiệp.
Ở Pháp, có một trào lưu di cư từ nông thôn quan trọng vào cuối thế kỷ XVIII.
Dân số đô thị, trước kia chiếm 1/10 tổng dân số, nay chiếm 1/5: khoảng 5 triệu
rưỡi người. Con trai nông dân di cư chủ yếu tới các thành phố nhỏ, nơi họ được
nâng cao về mặt xã hội trong lúc trở thành thương nhân, người làm công, viên
chức. Đầu thế kỷ XIX, trào lưu ngưng lại; từ 1800 và 1851, dân số đô thị tăng
thêm 3 triệu rưỡi, nhưng vì tổng dân số tăng trưởng, nên dân số thành phố chỉ
chiếm 25% dân số Pháp. Nhờ giảm nhẹ thuế, thu nhập của nông dân tăng lên,
nhưng sự tăng trưởng ấy chỉ bù đắp cho tình hình gia tăng dân số song song. Từ
1840 đến 1850, nông thôn không còn còn đủ sức nuôi sống dân cư nữa: vì vậy,
phong trào di cư phát triển mạnh từ 1850 đến 1865. Trong những năm tiếp theo,
công nghiệp nông thôn - từng là một nguồn thu nhập bổ sung của nông dân - bị
suy thoái do tập trung công nghiệp. Tiến bộ kỹ thuật làm cho công việc khai thác
đất đai của người nghèo khó khăn hơn; họ không thể cạnh tranh nổi với các chủ
đất tư sản khi những người này đưa phương pháp tư bản chủ nghĩa vào nông
nghiệp. Ngoài ra, từ 1880, tiến bộ về phương tiện giao thông cho phép châu Mỹ
xuất khẩu lúa mỳ sang Pháp: hệ quả là khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và
phong trào di cư từ nông thôn tiếp diễn. Năm 1881, 1/3 dân số tập trung ở thành
phố. Ở thời kỳ cuối thế kỷ này, công nghiệp thu hút con cái nông dân, và làm
tăng thêm hàng ngũ giai cấp vô sản.
Những sự biến đổi trên đây tỏ ra tai hại đối với người già. Ở Pháp cũng như ở
Anh, đời sống của họ chưa bao giờ cay cực như trong nửa thứ hai thế kỷ XIX.
Lao động không được bảo hộ; đàn ông, đàn bà, trẻ em bị bóc lột không một chút
thương tiếc. Càng có tuổi, công nhân càng không thể chịu đựng nổi nhịp độ lao
động. Cuộc cách mạng công nghiệp được tiến hành với cái giá một sự lãng phí
con người không thể tưởng tượng nổi. Ở Mỹ, từ 1880 đến 1900, phương pháp
Taylor là một cái hố chôn người: tất cả công nhân đều chết sớm. Khắp nơi,