TUỔI GIÀ - TẬP 1 - Trang 167

Đầu thế kỷ XIX, cuộc Trùng hưng, và việc hồi hương những người di cư, dẫn

tới việc thiết lập một chính quyền bô lão (gérontocratie) thực sự. Những người
hồi hương mua lại ruộng đất, thường là ruộng đất ngày trước của họ: năm 1830,
một nửa số động sản lớn được tái lập, giai cấp quý tộc điền địa này không đông,
nhưng có nhiều khách hàng trong giai cấp tư sản. Tập hợp xung quanh nhà vua,
tầng lớp ấy đã thông qua được một chế độ bầu cử theo mức thuế (suffrage
censtitaire) - dựa trên cơ sở bất động sản - mang lại cho họ ưu thế về chính trị.
Có 90.000 cử tri, tức là cứ 100 người Pháp thành niên, thì chỉ có một người bỏ
phiếu; người ta tính có khoảng 8.000 công dân có thể ứng cử. Vì những người
nhập cư này rất già, người ta ở trong một tình thế có thể gọi là bệnh lý. Năm
1829, nhà văn trào phúng Fazy tố cáo tình thế ấy: “Người ta thu nhỏ nước Pháp
vào trong 7-8 nghìn cá nhân có thể ứng cử, bị hen suyễn, bị thống phong, tàn tật,
năng lực bị sút kém và chỉ muốn nghỉ ngơi”. Ông phê bình dữ dội “đạo luật đặc
biệt chỉ cho phép người già đại diện cho quốc gia”. Đặc quyền này của người già
được duy trì sau năm 1830 ở Viện Công khanh (Chambre des Pairs). Năm 1835,
Talleyrand kể lại với Guizot: “Hôm qua, tôi tới Viện Công khanh. Chúng tôi chỉ
có sáu người... và tất cả đều trên 80”.

Nhưng tầng lớp đại tư sản giàu lên trong lúc bóc lột công nhân và nhiều nông

dân, và cho vay lãi. Nhờ ưu thế kinh tế, họ tước đoạt quyền lực chính trị của
tầng lớp quý tộc điền địa. Dưới triều Louis-Philippe, cai trị đất nước là các nhà
công nghiệp, các chủ ngân hàng, các nhà buôn lớn, và cả các quan chức cao cấp,
luật sư, giáo sư. Vì phải có thời gian để tích lũy của cải, phần lớn họ là người
già. Cả ở đây nữa, vẫn có thể nói tới chính quyền bô lão. Charles Dupin khẳng
định một số nửa cử tri tuổi trên 55. Theo ông, 54.000 cử tri dân chủ được 28
triệu công dân ủng hộ, còn 40.000 cử tri cánh hữu được 3 triệu người già ủng hộ.
Con số chỉ là ước lượng, nhưng khái niệm chung thì chính xác. Vấn đề ở đây là
một chế độ đầu sỏ tài chính (ploutocratie) và đa số người giàu là người già. Các
doanh nghiệp mang tính chất gia đình và thông thường người đứng đầu là người
cao tuổi nhất trong gia đình. Niên kim không còn là động cơ của nền kinh tế, mà
là lợi nhuận được tích lũy nhờ vốn đầu tư. Các thành viên của tế bào gia đình
gắn bó chặt chẽ với nhau vì quyền lợi, và tượng trưng cho tế bào này là ông chủ
gia đình.

Từ 1848, ngân hàng và công nghiệp nắm giữ quyền lực chính trị. Lúc đó,

cuộc cách mạng công nghiệp hoàn thành: đường sắt, vải sợi, luyện kim, mỏ,
đường và bánh kẹo v.v... phát triển. Ngân hàng giữ vai trò ngày càng quan trọng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.