đạo lý càng phát triển. Vì vậy, một cách thông thường, cá nhân đạt tới tuyệt đỉnh
của mình vào lúc cuối.
Ở thành phố, gia đình không còn mang tính chất gia trưởng nữa. Từ cuối thế
kỷ XVIII, việc tăng thêm các chỗ làm, tình hình mở rộng đời sống xã hội cho
phép những cặp vợ chồng lập gia đình riêng. Nhưng giai cấp tư sản vẫn tha thiết
với truyền thống gia đình thân mật, tiếp nối nó một cách lý tưởng qua việc tôn
kính người chủ gia đình. Thậm chí, khi ảnh hưởng của người này giảm sút do
chủ nghĩa tư bản hiện đại phát triển, dư luận vẫn đòi hỏi phải biểu thị những dấu
hiệu bề ngoài của sự trọng vọng và bảo đảm cho họ những ngày cuối đời vẻ
vang.
Quá trình biến đổi gia đình làm thay đổi quan hệ của cháu đối với ông bà:
thay vì một sự đối kháng, là một sự liên minh giữa họ với nhau; không còn là
chủ gia đình nữa, người ông trở thành đồng lõa với trẻ em: chúng tìm thấy ở ông
một người bạn đường thú vị và rộng lượng
Vị trí xã hội quan trọng của người già khiến một số nhà văn tráng niên bực
bội. Lamennais tấn công dữ dội tuổi già. Lúc 36 tuổi, ông viết: “Tôi chưa từng
thấy người già nào mà tuổi tác không làm cho trí tuệ sút kém đi và tôi thấy có rất
ít người già thành thực chịu công nhận điều ấy”. Ông còn viết: “Một người già
là cái gì trên đời? Là một nấm mồ đang chuyển động. Đám đông tránh ra: một
vài người bước lại gần để đọc mộ chí
”. Dickens kịch liệt phản đối việc so
sánh quen thuộc giữa tuổi thơ và tuổi già. Nói về tuổi già, ông viết: “Chúng ta
gọi cái đó là một trạng thái trẻ thơ, nhưng đó chỉ là một ảo ảnh nghèo nàn và vô
vọng, giống như cái chết là ảo ảnh của giấc ngủ. Làm gì có trong mắt người già
ánh sáng và sức sống long lanh trong mắt trẻ thơ... Nếu ghép vào nhau đứa trẻ
và con người rơi trở lại tuổi ấu thơ thì phải xấu hổ về sự hão huyền ấy vốn vu
khống buổi đầu tốt đẹp của cuộc đời chúng ta bằng cách lấy tên gọi của nó đặt
cho sự bắt chước khủng khiếp và giật gân ấy”.
Những giọng điệu như vậy vốn rất hiếm. Những nhà văn trong những viễn
cảnh hoàn toàn khác, đã suy nghĩ về tuổi già và đề xuất những lời ngợi ca tương
đối tinh tế; cũng như các tác giả tiểu luận của các thế kỷ trước, họ chỉ quan tâm
tới tuổi già trong chừng mực nó liên quan tới giai cấp họ. Tôi xin kể những
trường hợp có ý nghĩa nhất.
Trong chương VI cuốn Châm ngôn về sự khôn ngoan trong cuộc sống nhan đề
“Bàn về sự khác biệt giữa các lứa tuổi”, Schopenhauer xem xét dưới ánh sáng
triết học của ông những thời điểm khác nhau của cuộc sống. Chúng ta biết là