và lúc đó là đồ vô dụng (caput mortuum) của cuộc đời. Sự suy tàn là điều hay, vì
nó giúp người ta chịu đựng cái chết. Sau tuổi 90, thay vì chết bệnh, người ta
thường tự tắt lịm dần.
Chúng ta đã thấy: chính vì chủ nghĩa tư bản bi quan của mình mà
Schopenhauer ưu đãi tuổi già. Ông cho rằng sự tỉnh ngộ vốn là bản chất của tuổi
già mang lại cho lớp tuổi này “một sắc thái rầu rĩ nhất định”. Nhưng ưu điểm
của lớp tuổi này là ý chí muốn sống hầu như đã tiêu tan; người ta quay trở lại
thái độ trầm tư của tuổi thơ. Nếu sống là một tai ương, nếu người thích chết hơn
sống, thì tình trạng nửa sống nửa chết, tức là tuổi già, có ưu thế hơn lớp tuổi có
nhiều ảo ảnh. Sự đánh giá của Schopenhauer là hoàn toàn tiêu cực: “Thực ra cái
gánh nặng cuộc đời của tuổi già nhẹ hơn so với lúc tuổi trẻ”.
Bà Swetchine
có những suy nghĩ rất xác đáng về tuổi già. Bà nhấn mạnh
sự tương phản giữa nhân phẩm của tuổi già và tình hình nó bị người ta phản bác.
“Người già thấu triệt quá khứ, nhưng không phải vì vậy mà không tiên đoán
được tương lai”. Tuy nhiên, có “điều kỳ lạ! tuổi già không gây nên sự ghê tởm,
mà là sự khinh miệt”. Bà nhận xét rất xác đáng: “Không có gì mang tới đầu óc
người ta nhiều mâu thuẫn hơn là tuổi già: đó là một bóng ma mà tuổi trẻ không
còn tin nữa; đó là một con bù nhìn đối với sự sung mãn của thời trai tráng; tuy
nhiên... tất cả mọi người đều mong ước điều đó và ra sức dàn xếp với những cái
bất thuận lợi của nó”.
Bà còn viết: “Tuổi trẻ không muốn cho tuổi già là một điều tai hại tất yếu, và
chấp nhận nó như chấp nhận cái chết; tuổi trẻ hầu như mong ước thoát khỏi tuổi
già và kiêu hãnh không muốn kéo dài cuộc sống với cái giá biết bao điều sỉ
nhục”.
Bà thừa nhận rằng trên bình diện con người, tuổi già là một thử thách khủng
khiếp và bà vẽ lên một bức tranh làm người ta khiếp hãi; nhưng do tính chất tàn
bạo của nó, nó cho phép người ta dịch lại gần Thượng đế: “Nếu xem xét con
người tự nhiên, thì tuổi trẻ là thời kỳ đích thực, có lẽ là thời kỳ tốt đẹp duy
nhất... Tôn giáo làm hoàn toàn ngược lại tự nhiên”. “Còn đối với thế giới bên
ngoài, tuổi già quả là một thứ mù lòa... Thượng đế thừa kế tất cả những mong
ước mà tuổi già không còn đề xướng nữa, và tất cả những niềm phấn chấn mà
tuổi già loại trừ và ngày càng mở cho tuổi già thế giới nội tâm”. Bà lấy làm tiếc
là Giêxu đã không thánh hóa (sanctifier) lứa tuổi này của cuộc đời trong lúc trải
qua nó.