TUỔI GIÀ - TẬP 1 - Trang 172

Schopenhauer và bà Swetchine đều cố gắng hình dung tuổi già theo những

viễn cảnh độc đáo. Nhưng những tác phẩm sáo mòn ngày trước tồn tại một cách
khó khăn: người ta bắt gặp chúng trong bản tiểu luận vắn tắt của Emmerson viết
về tuổi già. Là nhà tư tưởng rất thủ cựu của giai cấp tư sản Mỹ, vào cuối đời,
ông đẩy tới mức cực đoan thuyết bi quan ông vốn luôn luôn đề xướng: bị cuộc
nội chiến lay động, ông chọn con đường giải ngũ và không muốn biết tới công
cuộc Tái kiến thiết, một thời kỳ khủng khiếp. Ông đinh ninh mình sống trong thế
giới tốt đẹp nhất, ở thời kỳ vinh quang nhất. Bị suy yếu, bị giảm sút, ông ca ngợi
những ưu điểm và những giờ phút êm đềm của lứa tuổi cuối cùng. Cũng như
Cicéron, ông thừa nhận “quan điểm của nhân dân là tuổi già không có gì đáng
xấu hổ, nhưng cực kỳ bất lợi”; và ông không lùi bước trước bất kỳ luận cứ nào
để chứng minh điều ngược lại. Ông nhắc tới những tuổi già nổi tiếng trong Lịch
sử, nhưng không cần biết những ngày tháng cuối đời của họ có hạnh phúc hay
không vì ông viện dẫn lẫn lộn le Cid, Dandolo, Michel-Ange, Galilee v.v... Theo
ông, người già có hạnh phúc vì trước hết đã thoát khỏi vô số hiểm nguy và lấy
thế làm mãn nguyện. Người ta không phải sợ gì nữa hết: người ta có cuộc sống
phía sau lưng mình, không có gì có thể tước đoạt nó của mình. Điều đó có nghĩa
là Emerson thỏa mãn với vị thế, với danh vọng của ông; chúng ta không thấy cái
gì cho phép ông khái quát hóa. Nhờ cái đó - ông nói tiếp -, thành tựu chẳng có ý
nghĩa gì nữa hết. Người ta chỉ còn phải hướng tới một sự thỏa mãn. Người ta có
thể tụt xuống dưới bản thân mình mà không hề hấn gì. Luận cứ thứ ba nhắc lại
luận cứ thứ hai: người ta đã tự bộc lộ mình, đã tỏ rõ hết khả năng của mình,
người ta có quyền nghỉ ngơi trên quá khứ của mình. Không còn ngờ vực, lo sợ
gì nữa. Ở đây, thuyết lạc quan của Emerson giống thuyết bi quan của
Schopenhauer một cách kỳ lạ: khi già, người ta thôi hành động và thậm chí suy
nghĩ, người ta thôi không còn sống và đó là một sự giải thoát mang lại sự yên
tĩnh. Cuối cùng, Emerson lập luận rằng người già đã tiếp thu được kinh nghiệm
và ông đồng tình với quan niệm quen thuộc của giai cấp tư sản cho rằng chỉ tích
lũy năm tháng không thôi là đã có thể sản sinh ra tri thức.

Năm 1880, ở Đức, Jacob Grimm đọc một diễn từ nổi tiếng về tuổi già và kết

luận như sau: “Tôi nghĩ mình đã đưa ra những bằng chứng để ủng hộ quan niệm
cho rằng tuổi già không còn là hiện tượng sức cường tráng sụp đổ đơn thuần, mà
mang theo nó sức mạnh của chính mình phát triển theo quy luật và điều kiện của
riêng mình. Đấy là thời kỳ tĩnh lặng trước kia không hề có, và tương ứng với
trạng thái này phải có những tác dụng đặc biệt”.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.