hiện thực vô nghĩa. Và rốt cuộc, khi họ nhảy qua cửa sổ, chính là vì trong lúc
mất hết mọi ý nghĩa, cuộc sống của họ cho họ thấy nó chưa hề bao giờ có ý
nghĩa.
Ở Beckett, cũng có một sự phủ nhận tương tự đối với cuộc đời do sự suy thoái
thảm hại cuối cùng của nó. Hai vợ chồng già trong Chung cuộc (Fin de partie),
trong khi nhắc lại cặn kẽ hạnh phúc và tình yêu thuở trước, đã làm công việc lên
án mọi tình yêu, mọi hạnh phúc. Trong Bè lũ cuối cùng (La Dernière Bande),
trong A! những ngày đẹp trời! (Ah! les beaux jours!), chủ đề được đặt ra một
cách tàn bạo, chính là sự rệu rã của trí nhớ, và do vậy, là sự rệu rã của toàn bộ
cuộc đời phía sau ta. Các kỷ niệm xuất hiện lộn xộn, bị cắt xén, bị hủy hoại và
như thể xa lạ, như thể không hề có gì đã từng xảy ra, và từ sự trống rỗng ấy, nổi
lên khoảnh khắc hiện tại như thể chỉ là đám cỏ cây rối bời. Điều nực cười nhất
là, qua sự tan vỡ ấy, người ta bấu víu vào cái huyền thoại cho rằng ngày một
thêm tuổi tác, tức là có thêm tri thức, là tiến bước. Thực ra, già đi, tức là: “Từ từ
tụt xuống cuộc đời vĩnh hằng trong lúc nhớ lại... toàn bộ cái tai họa nhỏ nhoi
ấy... như thể... nó chưa từng bao giờ có
Trong tiểu thuyết Molloy, nhân vật, tuổi đã cao lúc bắt đầu truyện, mỗi ngày
một thêm suy thoái; cẳng chân thứ hai tê dại; ông ta mất hết một nửa số ngón
chân; lúc đầu, mặc dù những khuyết tật này, ông ta xoay xở để di xe đạp; rồi
không được nữa; ông lết bộ bằng đôi nạng; cuối cùng, chỉ còn có thể bò. Trong
quá trình tan rã ấy, công việc chủ yếu của ông, là gợi lại các kỷ niệm; nhưng
chúng rệu rã, lờ mờ, bấp bênh, chắc hẳn là lầm lẫn. Cuộc đời, chỉ là ký ức của
chúng ta về nó, và ký ức, là không gì hết. Cái không gì hết này chiếm mất thời
gian, thời gian trôi qua, trong lúc không đi về đâu hết; chúng ta luôn luôn đụng
đậy, và trong cuộc hành trình không có đích này, chúng ta vẫn đứng im tại chỗ.
Dưới ánh sáng của tuổi già, chúng ta phát hiện ra cái chân lý ấy của cuộc dời,
xét cho cùng, chỉ là một sự già nua được che đậy dưới vẻ hào nhoáng bề ngoài.
Ở Ionesco, ở Beckett, tuổi già không xuất hiện như là giới hạn tận cùng của cuộc
đời con người, mà - như trong Vua Lear - nó chính là bản thân cuộc đời ấy cuối
cùng bị vạch trần. Họ không quan tâm tới người già vì chính bản thân người già,
mà chỉ sử dụng những người này làm phương tiện để bày tỏ quan niệm của mình
về con người.
***