thể tìm thấy sự lụ khụ và cái chết; và không còn có ích gì nữa hết. Là một vật
hoàn toàn vướng víu, vô ích, người ta coi họ rất “nhẹ cân”.
Những quyền lợi dính dáng đến cuộc đấu tranh này không chỉ mang tính chất
thực tiễn, mà còn mang tính chất tinh thần: người ta muốn người già tuân thủ
hình ảnh mà xã hội hình dung về họ. Người ta áp đặt đối với họ những sự ràng
buộc về trang phục, một sự “tử tế” về phong cách, một sự tôn trọng dáng vẻ bề
ngoài. Sự trấn áp chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực giới tính. Trong cuốn Cậu thiếu
niên (L’Adolescent), khi Sokolski, một hoàng thân già, nghĩ tới chuyện tục
huyền, gia đình theo dõi, canh gác ông ta, vì những vấn đề quyền lợi, nhưng
cũng cả vì ý nghĩ ấy làm họ phẫn nộ. Người ta dọa đưa ông vào nhà điên; cuối
cùng, ông bị nhốt chặt và chết. Tôi có biết những tấn thảm kịch tương tự trong
các gia đình tư sản ở thế kỷ này.
Đối với bà mẹ, các cô con gái thường oán giận và có thái độ giống thái độ của
các cậu con trai đối với bố. Những tình cảm yêu thương ít mang tính chất hai
mặt, nhất là tình cảm của con gái đối với bố, của con trai đối với mẹ. Khi người
bố hay mẹ mà họ yêu thương, đến tuổi già, họ có thể tận tụy vì người đó. Nhưng
nếu bố hay mẹ lập lại gia đình, thì người bạn đời mới của bố hay mẹ sẽ làm
giảm bớt tình cảm của họ.
Khi không có quan hệ cá nhân với người lớn, thì người già gợi lên ở người ấy
sự khinh miệt có nhuốm chút kinh tởm: người ta đã thấy trải qua các thế kỷ, các
tác giả trào phúng khai thác ra sao tình cảm này. Vì người còn trẻ coi người già
như bức biếm họa bản thân mình, nên thích thú biếm họa họ, nhằm cắt đứt với
họ bằng tiếng cười. Đôi khi có hiện tượng loạn dâm (sadisme) trong sự chế nhạo
ấy. Tôi thật sự bối rối khi trông thấy những bà già tám mươi xấu xí khủng khiếp
vừa hát xướng và nhảy múa vừa vén váy lên ở một quán rượu nổi tiếng tại Niu
Ooc. Công chúng cười ồ: hiện tượng phá lên cười ấy thực ra có ý nghĩa gì?
Ngày nay, người ta quan tâm tới người già một cách khác? Người già là một
mục tiêu bóc lột. Chủ yếu ở Mỹ, nhưng cũng cả ở Pháp nữa, người ta mở mang
bệnh viện, nhà nghỉ, nhà ở, thành phố và làng mạc, buộc người cao tuổi phải trả
với giá đắt nhất những tiện nghi và sự chăm sóc - khi họ có điều kiện - mặc dù
chất lượng phục vụ thường rất kém cỏi.
Trong những hoàn cảnh tột cùng, rốt cuộc, người già bao giờ cũng thua cuộc:
họ phải chịu đựng mâu thuẫn của chính quy chế của mình. Trong những trại giết
người, họ là những nạn nhân đầu tiên; vì hoàn toàn không còn khả năng lao
động, họ không thể giành được một cơ may nào. Tuy vậy, ở Việt Nam, người