Trái lại, những nước kém phát triển là những nước dân số trẻ. Trong nhiều
nước này, tỷ lệ tử vong trẻ em vẫn rất cao; thậm chí ở những nước tỷ lệ ấy thấp,
tình hình suy dinh dưỡng, thiếu điều kiện chăm sóc sức khỏe và điều kiện vật
chất nói chung vẫn ảnh hưởng tới tuổi thọ. Ở một số nước, một nửa số dân, tuổi
dưới 18. Ở Ấn Độ, có 3,6% người già; khoảng 2,45% ở Braxin; 1,46% ở Tôgô.
Ở các nước dân chủ tư bản chủ nghĩa, hiện tượng dân số già đi đặt ra một vấn
đề mới. Ian Mac Leod, bộ trưởng y tế Anh, nói: “Đây là “đỉnh Everest” của
những vấn đề xã hội hiện nay”. Chẳng những người cao tuổi đông hơn nhiều
ngày trước, mà còn hội nhập một cách bột phát vào xã hội; và xã hội buộc phải
quyết định quy chế của họ: chỉ có chính phủ mới có quyền ra quyết định này.
Tuổi già trở thành đối tượng của một đường lối chính sách.
Thật vậy, trong xã hội ngày trước, bao gồm chủ yếu nông dân và thợ thủ công,
có một sự ăn khớp chính xác giữa nghề nghiệp và đời sống; người lao động sống
tại nơi lao động; nhiệm vụ sản xuất và nhiệm vụ gia đình lẫn lộn làm một. Đối
với thợ thủ công có tay nghề cao, năng lực phát triển theo kinh nghiệm, tức là
theo năm tháng. Đối với những nghề nghiệp mà năng lực sút kém theo tuổi tác,
thì có một sự phân công lao động cho phép thích ứng nhiệm vụ với khả năng
từng người. Trở nên hoàn toàn bất lực, người già sống trong gia đình và được
gia đình đảm bảo cuộc sống. Chúng ta đã thấy số phận họ không phải bao giờ
cũng đáng ao ước. Nhưng tập thể không phải quan tâm tới họ.
Ngày nay, người công nhân ở một nơi, lao động một nơi khác, với tư cách
hoàn toàn cá nhân. Gia đình xa lạ với hoạt động sản xuất của họ. Gia đình chỉ
gồm một hay hai cặp người lớn, nuôi dưỡng con cái chưa thể kiếm sống; với
nguồn thu nhập nhỏ nhoi, họ không thể đảm bảo việc nuôi dưỡng bố mẹ già.
Tuy vậy, người lao động rơi vào hoàn cảnh không có việc làm sớm hơn ngày
trước: nhiệm vụ chuyên môn của họ vẫn không có gì thay đổi suốt cả cuộc đời
và không thích ứng với khả năng của tất cả mọi lứa tuổi.
Ở phần trên, tôi đã nói: vào cuối thế kỷ XIX, người lao động già mất việc bị
bỏ mặc một cách bi thảm. Các tập thể đành bắt buộc phải bắt tay vào việc.
Trợ cấp lúc đầu được quan niệm như một phần thưởng. Từ 1796, Tom Paine
gợi ý thưởng bằng một khoản trợ cấp cho người lao động 50 tuổi, ở Bỉ và Hà
Lan, khu vực Nhà nước được hưởng trợ cấp từ 1844. Thế kỷ XIX, ở Pháp, quân
nhân và viên chức cũng là những người đầu tiên được hưởng trợ cấp; sau đó, Đệ
nhị Đế chế cho thợ mỏ, lính thủy, công nhân quân giới, nhân viên đường sắt
được hưởng trợ cấp. Người ta cho rằng đối với những nghề nghiệp nguy hiểm,