nông dân, chủ hãng, tiểu chủ, thợ thủ công, người lao động độc lập còn phụ nữ
thì trong nông nghiệp, công việc nội trợ, dịch vụ y tế, thương nghiệp. Nhưng
trong khu vực công nghiệp, tuổi tác kéo theo hiện tượng giảm sút giá trị, đối với
cán bộ và viên chức cũng như đối với công nhân.
Một cách tiên nghiệm, giới chủ nghi ngại những người cao tuổi; hiện tượng
này rất rõ rệt khi xem xét việc tuyển người. Hầu như ở tất cả các nước, giới hạn
tuổi là từ 40 đến 45. Ở Mỹ, 23 Bang có luật cấm mọi sự phân biệt đối xử về tuổi
tác; nhưng giới chủ có những chỉ thị riêng cho bộ phận tuyển người, và bộ phận
này thi hành theo. Theo một cuộc điều tra ở New York năm 1953, 94 hãng coi
người xin việc cao tuổi là kẻ thù tồi tệ nhất: “Họ nói quá nhiều, cho mọi thứ đều
không thích hợp với mình; họ xơ cứng, thiếu tinh thần kỷ luật và tự kiềm chế”.
Theo một cuộc điều tra khác năm 1963 ở tám thành phố lớn của Mỹ, một phần
năm văn phòng giới thiệu việc làm ấn định hạn tuổi là 35; một phần ba ấn định ở
45. Ở Bỉ, Áo có nhưng cơ quan Nhà nước chỉ tuyển người tuổi dưới 40. Ở Anh,
50% thông báo tuyển người gửi tới các văn phòng giới thiệu việc làm ghi rõ:
dưới 40 tuổi. Ở Pháp, trong số 41.000 thông báo tuyển người được nghiên cứu
trong một cuộc điều tra, 30% yêu cầu người tuổi dưới 40; 40% người tuổi từ 20
đến 29; 30%, người từ 50 đến 65. Trên báo chí Mỹ, 97% thông báo tuyển người
ấn định giới hạn tuổi là 40. Ở Pháp, theo một cuộc điều tra khác, 80% thông báo
yêu cầu tuổi dưới 40; ở Bỉ, 80% trường hợp qui định như vậy. Hầu như khắp nơi
đều qui định như vậy, kể cả trong thời kỳ mọi người đều có việc làm. Dĩ nhiên,
khi hai hãng hòa nhập làm một, khi vì một lý do nào đó, một doanh nghiệp giảm
bớt người, thì bị sa thải là những kỹ sư, cán bộ, người làm công trên 40 tuổi.
Doanh nghiệp càng lớn, nhịp độ lao động càng khẩn trương thì chúng càng được
hợp lý hóa, tiêu chuẩn hóa và doanh nghiệp càng sớm sa thải người nhiều tuổi.
Nhà máy ở nông thôn giữ nhân công lại lâu hơn nhà máy ở một trung tâm công
nghiệp đô thị. Phụ nữ lớn tuổi càng phải chịu tệ phân biệt này hơn nam giới,
mặc dù tuổi thọ họ cao hơn. Vả lại, hiện tượng này không mới. Khoảng 1900,
một phụ nữ tuổi 45, một người đàn ông tuổi 50, hết sức khó kiếm việc. Năm
1930, ở New York và nói chung trong toàn nước Mỹ, 25 đến 40% doanh nghiệp
chỉ tuyển nhân viên dưới một độ tuổi nhất định; năm 1948, 39% doanh nghiệp
làm như vậy. Tình hình này là tình hình chung.
Vì vậy chưa đến tuổi nghỉ hưu, nhiều người lớn tuổi đã thất nghiệp. Thời kỳ
khủng hoảng kinh tế, khi tổng số người thất nghiệp tăng thì tỷ lệ người thất
nghiệp lớn tuổi giảm; tỷ lệ này tăng trong những thời kỳ mọi người đều có việc