luôn cứu giúp người già, rất cố gắng để đề xướng tư tưởng trách nhiệm của Liên
bang đối với người già, và được những nhóm ít danh tiếng hơn ủng hộ. Nhưng
vì chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự do và kinh hãi mọi “chủ nghĩa xã hội”, một
bộ phận lớn dư luận phản đối. Tuy vậy, dự án của Tổ chức Phượng hoàng cũng
được 24 Bang nghiên cứu. Năm 1929, Californie thông qua một đạo luật mở
rộng cứu tế cho mọi người già nghèo khó. Năm 1930, có 13 Bang khác noi
gương. Năm 1934, 30 Bang có một hình thức chương trình cứu tế; nhưng chỉ có
10 Bang bảo đảm hoàn toàn chương trình; các khoản cứu trợ rất khó được cấp
và rất không đầy đủ. Những nhà từ thiện, các nghiệp đoàn, các Giáo hội cũng
bắt đầu xây nhà cho người già. Hoàn cảnh những người này trở nên bi thảm sau
cuộc đại suy thoái những năm 30: họ rơi vào cảnh thất nghiệp; các Bang tỏ ra
bất lực trong việc nuôi dưỡng họ; nhiều người hết sạch tiền tiết kiệm, bị đuổi ra
khỏi nhà. Tình trạng bi đát này dẫn tới việc Liên bang cấp kinh phí cho những
Bang chăm sóc người già. Chương trình của các Bang tiếp tục được áp dụng và
một nguyên tắc thứ hai bắt đầu có hiệu lực: nguyên tắc bảo hiểm. Nhưng rất ít
người được hưởng, và số tiền được lĩnh rất ít ỏi.
Năm 1943, có 23,4% người già lĩnh tiền cứu tế, và chỉ có 3,4% lĩnh lương
hưu. Mức sống thấp của họ vẫn bi thảm một cách rõ rệt. Người ta phát triển dịch
vụ nhằm giúp đỡ họ. Từ 1950, Quốc hội nâng con số thu nhập được cấp và mở
rộng diện được hưởng. Tuy vậy, năm 1951, đại đa số người già có thu nhập thấp
hơn nhiều so với mức sống tối thiểu và không nhận được một sự cứu trợ tư nhân
nào. Nhiều cuộc hội nghị được tổ chức để nghiên cứu các vấn đề của tuổi già.
Từ 1950 đến 1958, người ta tăng số lượng người được hưởng Bảo hiểm xã hội:
trước kia, chỉ có 3/4 số người già được hưởng; nay lên 9/10; và các khoản trợ
cấp cũng được nâng lên. Tuy vậy, theo một cuộc điều tra năm 1957 của Steiner
và Dorfman, 25% các cặp vợ chồng, 33% đàn ông độc thân, 50% phụ nữ độc
thân trên 65 tuổi, không có được mức sống tối thiểu.
Margaret S. Gordon viết: “Tình trạng nghèo đói của người già chúng ta là một
trong những vấn đề dai dẳng nhất và khó khăn nhất”. Ngày nay, trong 16 triệu
người già, có trên 8 triệu rất nghèo. Một người đàn ông nghỉ việc lúc 65 tuổi sau
khi có phần đóng góp cao nhất, hàng tháng lĩnh cho cả hai vợ chồng 162 đôla;
nếu độc thân, thì lĩnh 108,50 đôla. Năm 1958, các công trình thống kê của cơ
quan điều tra dân số cho thấy 60% số người trên 65 tuổi mỗi năm lĩnh dưới
1.000 đôla, tức là thấp hơn 20% so với mức sống tối thiểu ở những thành phố
giá sinh hoạt rẻ nhất, và thấp hơn 40% ở những thành phố giá sinh hoạt đắt nhất.